Trung Quốc muốn vượt mặt Nga tại Iran

Báo Độc lập (Nga) ngày 25/1 nhận định Trung Quốc đang cạnh tranh với Nga để tranh giành ảnh hưởng tại Iran.

 

Lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Báo Độc lập (Nga) ngày 25/1 nhận định Trung Quốc đang cạnh tranh với Nga để tranh giành ảnh hưởng tại Iran, nhất là trong bối cảnh hai bên quyết tăng gấp 10 lần cán cân thương mại song phương.

 

Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei của Iran nói rằng Iran không tin tưởng Mỹ có thể dẫn dắt thực hiện cuộc chiến chống khủng bố một cách trung thực. Bởi vậy, Iran muốn mở rộng quan hệ với các "quốc gia trung lập", trong đó có Trung Quốc. Trong khi đó Bắc Kinh cũng không có ý định thiết lập quan hệ chặt chẽ với Iran tới mức có thể gây tổn hại quan hệ của mình với Saudi Arabia. Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc đã giành được các hợp đồng béo bở, và cân bằng giữa hai nước, vốn được coi là kình địch của nhau này.


Chuyến thăm Iran của ông Tập được truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá thành công. Tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo của ĐCS Trung Quốc viết rằng Trung Quốc và Iran đã đạt được cải thiện mối quan hệ ở mức đối tác chiến lược toàn diện, và Trung Quốc hứa hẹn hỗ trợ Iran trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).


Trong khi đó, Hãng thông tấn "Tân Hoa Xã" của Trung Quốc đã tóm lược tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong đó nói rằng, chuyến thăm của ông Tập tới Iran là một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa hai nước. Ông khẳng định Iran luôn nhớ tới sự ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc, những đóng góp của Bắc Kinh đã thúc đẩy đạt được giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran. Trong tình hình mới, Tehran dự định sẽ tham gia tích cực vào Dự án "Một vành đai, một con đường", cũng như  tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề quốc tế.


Truyền thông Nga nhìn chung khi đề cập kết quả chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 11/2015, cũng đưa ra những nhận định đánh giá lạc quan về quan hệ với Iran, giống như việc truyền thông Trung Quốc đang làm những ngày này. Chẳng hạn Nga cũng xác định xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với quốc gia Trung Đông vừa được dỡ bỏ cấm vận. Và khi các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc đến thăm lẫn nhau, họ cũng đề cập phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Câu hỏi đặt ra khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Iran có được nâng cấp cao hơn một nấc so với mối quan hệ Trung-Nga?


Ông Jacob Berger, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, nói rằng "người dân Trung Quốc sử dụng những ngôn từ khác nhau để mô tả mối quan hệ với các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, trong bài phát biểu tại Học viện Quan hệ quốc tế (MGIMO, thuộc Bộ Ngoại giao, Nga) năm 2013, ông Tập Cận Bình nói rằng Nga và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ đối tác bao trùm mọi lĩnh vực và hợp tác chiến lược toàn diện".


Trên thực tế, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với rất nhiều quốc gia. Nhưng trong quan hệ với Nga, dường như có chút nồng nhiệt hơn.


Liên quan quyết định của Bắc Kinh hỗ trợ Iran trở thành thành viên đầy đủ tại SCO, thực chất mục đích đằng sau là Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong SCO và cả tại Iran. Bắc Kinh không muốn để SCO thành một tổ chức thân Nga hay thậm chí là thân Trung Quốc.


Ông Berger cho rằng: "Đối với Trung Quốc, điều quan trọng là phải có một tác động vượt lên trên thế giới Hồi giáo - tác động tới cả người Sunni và người Shiite. Do đó họ mong muốn tăng cường quan hệ với cả Saudi Arabia, và Iran. Chính sách truyền thống của Trung Quốc là không dựa vào một bên. Ban đầu, họ đã từng cố gắng dựa vào Mỹ, rồi sau đó là Liên Xô. Bây giờ khẩu hiệu của họ là kiên quyết không nghiêng về bất cứ bên nào, mà tuân thủ chính sách cân đối, trung lập".


Hãng Reuters cũng nhắc lại rằng Trung Quốc hiện đã trở thành siêu cường thứ hai thế giới, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và việc lãnh đạo cấp cao nhất tới thăm Iran, cũng như hồi tháng 11/2015 Tổng thống Nga Putin thăm Iran cho thấy vai trò quan trọng của Iran nói riêng và cả Trung Đông nói chung, trước hết trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế. Trung Quốc và Nga đều ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng trên thực tế cả hai quốc gia này đều đã và đang tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế với Iran, nước vừa thoát khỏi thế bị cô lập.


Nhưng cách tiếp cận của Bắc Kinh và Moskva không giống nhau. Đối với Trung Quốc, Iran vẫn là nhà cung cấp hàng đầu các nguồn tài nguyên năng lượng. Trong khi Nga quan tâm hợp tác trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, giữa hai bên đã có nền tảng tốt - các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại Bushehr (Iran), được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga. Giờ đây, với việc ký 17 thỏa thuận, trong đó có hợp tác về năng lượng hạt nhân, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong lĩnh vực này không chỉ đối với Nga, mà còn cả các nước phương Tây.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)
Cơ hội và thách thức trong quan hệ Iran - phương Tây
Cơ hội và thách thức trong quan hệ Iran - phương Tây

Con đường đang rộng mở ở phía trước để chào đón sự trở lại của Iran với thị trường thế giới với những cơ hội kinh tế đầy tiềm năng, song chắc chắn cũng không ít rủi ro và thách thức trong tiến trình hội nhập với thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN