Những toan tính chiến lược mới của Iran tại Syria

Hành động leo thang quân sự của Iran tại Syria có thể là để phòng ngừa nguy cơ mất quyền kiểm soát chiến lược vào tay Nga đồng thời duy trì đòn bẩy của Iran tại bất kỳ bàn đàm phán nào.


Không quân Nga, quân đội Syria, nhóm Hezbollah ở Liban và các nhóm dân quân được lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đào tạo và chỉ huy đang tập hợp thành một liên quân đáng gờm ở Syria.

Trong khuôn khổ chiến dịch đa mặt trận nhằm đảo ngược thế trận vốn nghiêng về phía phe đối lập từ đầu năm 2015 đến nay, liên quân này đã tái chiếm được Aleppo (thành phố lớn thứ hai ở Syria). Nhận định về các lực lượng tham gia liên quân nêu trên, mạng tin "National Interest" (Mỹ) cho rằng những toan tính của Iran tại Syria vẫn là điều bí ẩn, song chắc chắn sự tham gia trực tiếp của Iran sẽ tạo ra những tác động đáng kể lên cuộc nội chiến đã kéo dài sang năm thứ năm này.

Binh sĩ Syria nạp đạn pháo tại làng Murak, tỉnh Hama trong cuộc tổng tấn công nhằm vào IS. Photo: AP

Trong mấy tuần gần đây, có tin Iran đã cử 2.000 tay súng và được nước này hậu thuẫn đến tham chiến tại Syria. Về mặt chính thức, Tehran tiếp tục tuyên bố các lực lượng của họ có mặt ở Syria để làm cố vấn chứ không phải là để trực tiếp chiến đấu. Trên thực tế, kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, sự can dự của Iran chỉ dừng ở mức như vậy. Người Iran hiếm khi trực tiếp cầm súng trên chiến trường.

Tuy nhiên, những binh sĩ IRGC mới đến có thể không chỉ đóng vai trò cố vấn. Đã xuất hiện những thông tin cho thấy số quân mới này đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Các nhà lãnh đạo Tehran cũng bóng gió nói về một sự thay đổi. Ngoại trưởng Javad Zarif nói bóng gió rằng vai trò của Iran tại Syria đã thay đổi, mặc dù vẫn nhấn mạnh là các nhân viên quân sự Iran đang đóng vai trò cố vấn. Một số quan chức kỳ cựu khác cho biết Iran có thể mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria nếu Damascus hoặc Moskva yêu cầu.

Vậy tại sao việc các lực lượng Iran trực tiếp tham chiến tại Syria lại có ý nghĩa quan trọng? Trước hết động thái này thể hiện một bước tiến lịch sử trong học thuyết quân sự của Iran. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh Iran- Iraq hồi thập niên 80, các đơn vị IRGC có thể hoạt động như một lực lượng viễn chinh, thay vì đảm đương sứ mệnh thông thường là cố vấn, đào tạo, trang bị vũ khí cho những lực lượng ủy nhiệm. Sự thay đổi này sẽ khiến cả Trung Đông phải lo lắng trước viễn cảnh các lực lượng Iran có thể sẵn sàng chiến đấu công khai ở nước ngoài, chứ không chỉ mượn tay người khác nữa.

Thứ hai, điều này cho thấy Tehran và Damascus đang gặp khó khăn trong việc huy động đủ lực lượng để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Syria. Rất có thể Iran không muốn phải sử dụng đến những tay súng tinh nhuệ của IRGC, song có thể họ không còn sự lựa chọn nào khác. Việc triển khai một lực lượng IRGC nhỏ có thể là phép thử cho một cuộc leo thang quân sự lớn hơn khi cần thiết.


Máy bay SU-34 Nga ném bom các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: BQP Nga

Thứ ba, động thái này có thể phản ánh những nhu cầu mới của Iran cả về mặt tác chiến lẫn chiến lược xuất phát từ sự can thiệp của Nga tại Syria. Về mặt tác chiến, có thể ông Putin khăng khăng yêu cầu Iran tăng cường lực lượng để đảm bảo có chiến thắng trên mặt đất thì ông mới triển khai không lực. Về mặt chiến lược, Nga cũng có thể có những tính toán không có lợi cho Iran. Nga có thể sẵn sàng hy sinh ông Assad, Damascus, hoặc lợi thế mà Iran hiện có trước Israel tại Cao nguyên Golan, nếu như điều này đảm bảo sẽ có một giải pháp duy trì được những lợi ích và căn cứ hải quân của Nga ở dọc bờ Biển Địa Trung Hải. Hành động leo thang quân sự của Tehran có thể là để phòng ngừa nguy cơ mất quyền kiểm soát chiến lược vào tay Nga đồng thời là nỗ lực duy trì đòn bẩy của Iran tại bất kỳ bàn đàm phán nào.

Trước mắt, mối bận tâm lớn nhất đối với nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, là liệu đợt triển khai quân vừa qua có đủ để đáp ứng kỳ vọng của ông Putin và xoay chuyển tình thế cho ông Assad hay không. IRGC đã dấn thân vào một sứ mệnh hoàn toàn mới mẻ. Nếu cuộc chiến tại Aleppo và những nơi khác kéo dài thêm vài tháng nữa, ai biết được bước đi tiếp theo của Iran sẽ là gì?

TTK
Kế hoạch mới của Mỹ tại Syria làm gia tăng lo ngại
Kế hoạch mới của Mỹ tại Syria làm gia tăng lo ngại

Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama nhằm vũ trang trực tiếp cho phe nổi dậy chiến đấu trong lãnh thổ Syria đang làm dấy lên nhiều quan ngại trong Quốc hội và giới chức tình báo về việc liệu nó có bao gồm đủ các biện pháp bảo đảm cần thiết để ngăn chặn vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN