Khe cửa hẹp cho hòa bình ở Afghanistan

Chuyến công du không báo trước ngày 15/4 của Ngoại trưởng Mỹ Antony đến Afghanistan có thể coi là bước đầu tiên trong việc thực hiện kế hoạch mà Tổng thống Joe Biden vừa công bố, rút toàn bộ lực lượng Mỹ tại Afghanistan đúng lộ trình đã đặt ra. 

Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan kể từ năm 2001 là một trong vấn đề chính cần phải giải quyết trong chính sách đối ngoại của nhiều đời tổng thống Mỹ. Chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump đã ghi dấu ấn trong vấn đề này khi nhất trí với lực lượng Taliban sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 1/5/2021, với hy vọng có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp nối chủ trương này bằng thông báo Washington sẽ bắt đầu đúng hạn giai đoạn cuối cùng của tiến trình rút quân và sẽ hoàn thành trước ngày 11/9/2021, tròn 20 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Mỹ, châm ngòi cho cuộc chiến được cho là dài nhất lịch sử nước Mỹ. 

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Mỹ được triển khai tại Dwyer, tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden về lộ trình rút quân khỏi Afghanistan có thể coi như một trong những chỉ dấu thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Wahisngton giảm hiện diện quân sự tại Afghanistan. Mỹ cũng đã nhất trí với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề này. Việc các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 30 nước thành viên NATO thống nhất rút hết quân khỏi Afghanistan theo lộ trình mà Mỹ đã thông báo, cùng ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trao đổi về vấn đề Afghanistan sau thông báo của Mỹ, cho thấy các đồng minh của Mỹ tại châu Âu ủng hộ và sẵn sàng hợp tác trong kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Nam Á.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ thực hiện kế hoạch rút quân theo thỏa thuận với Taliban có thể tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực. Một mặt, việc Mỹ rút quân sẽ thúc đẩy Taliban nghiêm túc hơn trong thực hiện cam kết. Đến nay, Taliban không hề có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan, và hồi tháng 3 vừa qua đã bác đề xuất của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về tổ chức bầu cử trong năm nay, đồng thời cảnh báo tiếp tục các hành động chống lại các binh sĩ nước ngoài nếu lực lượng nước ngoài không rút khỏi quốc gia này trước hạn chót 1/5. Điều này cho thấy chừng nào quân đội Mỹ còn tiếp tục hiện diện tại Afghanistan, chừng đó tiến trình hòa bình khó có cơ hội được thúc đẩy. Việc Mỹ rút quân được đánh giá sẽ phá vỡ thế bế tắc và buộc Taliban phải thực hiện cam kết. 

Các cựu quan chức quân đội Mỹ cũng cho rằng việc hoãn rút quân có nguy cơ khiến Taliban tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ và liên quân, có thể làm leo thang bạo lực và xung đột tại Afghanistan. Khi đó, Mỹ sẽ càng "sa lầy" trong cuộc chiến này.

Ngoài ra, đối với Mỹ, quyết định rút quân về cơ bản sẽ mang lại nhiều lợi ích, cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao. Về kinh tế, Mỹ sẽ tiết kiệm được một nguồn ngân sách đáng kể nhằm bảo vệ an ninh tại Afghanistan. Mỹ hiện chi khoảng 4 tỷ USD mỗi năm để duy trì Lực lượng An ninh quốc gia Afghanistan chống lại các mạng lưới tàn quân của khủng bố al-Qaeda còn sót lại ở nước này. Sơ bộ, Mỹ đã chi 1 nghìn tỷ USD cho Afghanistan kể từ lần đầu tiên can dự quân sự vào nước này sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. 

Trên phương diện chính trị, việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ cho người dân Mỹ thấy rằng ông Biden đã giữ vững cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử năm 2020. Cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến hơn 2.400 quân nhân Mỹ thiệt mạng, hơn 20.700 người bị thương và tiêu tốn của nước này một khoảng ngân sách khổng lồ ước tính 2 nghìn tỷ USD, song những tổn thất này vẫn chưa thể đưa Afghanistan đến con đường ổn định chính trị. Do đó, việc rút quân sẽ giảm thiểu tổn thất cho quân đội Mỹ tại Afghanistan. 

Các chuyên gia nhận định nếu hành động với một tầm nhìn xa, Tổng thống Biden có thể dùng việc kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan như một cơ hội để bắt đầu quá trình "tái cấu trúc" cách hai đảng phái chủ chốt ở Mỹ cạnh tranh với nhau về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia. Các thành viên đảng Cộng hòa sẽ khó phản đối chiến lược rút quân của ông Biden hơn nếu chiến lược này được coi là thứ mang dấu ấn của cựu Tổng thống Trump - người vẫn là nhân vật quyền lực nhất trong đảng Cộng hòa. 

Về an ninh, động thái của Chính quyền Tổng thống Biden sẽ góp phần nâng cao vai trò tự thân của Chính phủ Afghanistan trong việc duy trì an ninh tại nước này. Trên thực tế, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lưu ý rằng các lực lượng vũ trang của nước này “hoàn toàn đủ khả năng” bảo vệ Afghanistan.

Mặc dù vậy, hòa bình tại Afghanistan sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ngay trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Biden, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về những rủi ro an ninh đối với Afghanistan nếu Mỹ giảm hiện diện quân sự tại đây. Đặc biệt, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns lưu ý rằng năng lực thu thập thông tin tình báo và hành động của Mỹ trước các mối đe dọa sẽ giảm sút khi binh sĩ Mỹ rời khỏi Afghanistan. Đánh giá của ông Burns căn cứ vào sự hiện diện lâu dài của các phần tử thuộc những tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Afghanistan.

Cảnh báo của Giám đốc CIA phản ánh mối quan ngại của một số chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan có nguy cơ tạo ra khoảng trống cho phép các tổ chức khủng bố, đặc biệt là al-Qaeda, một lần nữa quay trở lại. Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến nhằm vào Taliban cách đây 20 năm, đến nay, mặc dù đã suy yếu về nhiều mặt, song lực lượng này vẫn sẽ tạo ra những thách thức an ninh không nhỏ đối với Afghanistan.

Việc Taliban đồng ý cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, trong đó có al-Qaeda, cũng như cam kết ngăn chặn al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, là một điều kiện tiên quyết dẫn đến thỏa thuận hòa bình với Mỹ năm 2020. Tuy nhiên, việc al-Qaeda từng duy trì mối quan hệ phức tạp với Taliban đã làm dấy lên những hoài nghi về việc Taliban có thể hoàn toàn chấm dứt quan hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng này hay không, cũng như ý định thực sự của Taliban với những cam kết.

Suốt 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư đáng kể nhằm năng lực chống khủng bố và mạng lưới thu thập thông tin tình báo tại Afghanistan. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ thừa nhận một khi quân đội đã rút đi, việc thu thập thông tin tình báo sẽ gian nan hơn rất nhiều. Xuất phát từ thực tế đó, một tính toán sai lầm của Mỹ về thời điểm rút quân sẽ tạo thời cơ cho al-Qaeda trỗi dậy lần nữa ở Afghanistan, tái lập căn cứ, để từ đó tiến hành các vụ tấn công khủng bố trong tương lai.

Sau khi Mỹ rút quân, để tiếp tục hỗ trợ Afghanistan duy trì an ninh, giải pháp dài hạn đối với Mỹ là tìm kiếm một cách thức cho phép tất cả các chủ thể chính trị có thể phối hợp hành động cùng Afghanistan. Liên hợp quốc (LHQ) cũng thông báo sẽ duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo của mình ở Afghanistan, kể cả sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi quốc gia này.

Trên thực tế, tiến trình hòa bình tại Afghanistan hiện là ưu tiên được cộng đồng quốc tế thúc đẩy, trong bối cảnh tình trạng gia tăng bạo lực ở quốc gia chìm trong xung đột này đang khiến nhiều dân thường thương vong và gây ra tình trạng khủng hoảng an ninh, nhân đạo trầm trọng. Theo Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA), có tới 8.820 dân thường đã thiệt mạng vì xung đột tại Afghanistan trong năm 2020. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 16,9 triệu người, chiếm hơn một phần ba dân số, đang đối mặt mất an ninh lương thực khẩn cấp.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng việc lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan có thể mở ra khe cửa hẹp hướng tới triển vọng mới kiến tạo hòa bình tại quốc gia Nam Á này trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội để lách qua "khe cửa hẹp" dẫn tới hòa bình cho Afghanistan thực sự vẫn rất mong manh bởi còn nhiều yếu tố chi phối, trong đó có việc xây dựng lòng tin giữa các bên ở Afghanistan cũng như vấn đề xung đột lợi ích của các nước liên quan trong khu vực.

Phạm Ngọc Ánh (Phóng viên TTXVN tại Mỹ)
LHQ khẳng định duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo tại Afghanistan
LHQ khẳng định duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo tại Afghanistan

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 15/4 thông báo cơ quan này sẽ duy trì sứ mệnh chính trị và nhân đạo của mình ở Afghanistan, kể cả sau khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi quốc gia này vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN