‘Kế hoạch Marshall’ cho Ukraine sẽ vận hành ra sao?

Phương Tây sẽ giúp tái thiết Ukraine sau xung đột với Nga, và họ có thể xem lại những bài học từ thập niên 1940.

Chú thích ảnh
Không thể đưa ra một con số cụ thể về chi phí tái thiết Ukraine. Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images

Kế hoạch Marshall (Marshall Plan) là một sáng kiến của Mỹ được triển khai vào năm 1948 nhằm cung cấp viện trợ nước ngoài cho Tây Âu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Mang tên chính thức là Kế hoạch Phục hưng châu Âu (European Recovery Program, viết tắt ERP), nhưng kế hoạch này thường được gọi theo tên của người khởi xướng, Ngoại trưởng Mỹ George Marshall.

Thảo luận về "Kế hoạch Marshall” cho Ukraine hiện đã trở thành chủ đề được quan tâm ở các nước đồng minh phương Tây. Các cuộc thảo luận bắt đầu với việc đưa ra một con số về chi phí tái thiết Ukraine sau những tổn thất bởi chiến tranh: 250 tỉ USD, 500 tỉ hay 1 ngàn tỉ USD, tất cả phụ thuộc vào những giả định về mức độ phá hủy, chi phí chăm sóc người tị nạn và nhiều vấn đề khác. Tổng chi phí cho Kế hoạch Marshall thời hậu Thế chiến II được so sánh với GDP của Mỹ vào năm 1948, khi chương trình bắt đầu. Điều này thường dẫn đến kết luận rằng chi phí tái thiết Ukraine so với quy mô của các nước tài trợ sẽ cùng quy mô với Kế hoạch Marshall gốc.

Theo phân tích của Giáo sư kinh tế Barry Eichengreen, tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cựu cố vấn chính sách cấp cao tại IMF, những kiểu so sánh như vậy không phải là cách ứng dụng tốt nhất của Kế hoạch Marshall trong lịch sử. Không thể đặt một con số chi phí tái thiết chừng nào còn chưa chắc chắn về thời gian diễn ra cuộc chiến và bao nhiêu vùng lãnh thổ sẽ được kiểm soát bởi chính phủ hợp pháp của Ukraine.

Lý do là bởi Mỹ đã chuẩn bị hỗ trợ cho châu Âu hậu Thế chiến bằng gần 5% GDP vào năm 1948, rải ra trong hơn 4 năm, và điều này sẽ không nói lên điều gì về mức độ hỗ trợ phù hợp với Ukraine hiện tại.

Trong khi đó, những khía cạnh khác của lịch sử dường như phù hợp hơn với tình hình Ukraine. Chẳng hạn, tiết lộ về Kế hoạch Marshall đã xuất hiện khi vẫn còn chiến sự ở châu Âu. Hay, cuộc nội chiến Hy Lạp tiếp diễn đến mùa hè năm 1949, nhưng nước này vẫn nhận được viện trợ Marshall từ năm 1948. 

Tương tự thế, viện trợ cho Ukraine có thể bắt đầu ngay bây giờ, dù cần được tiến hành thận trọng. Việc sửa chữa những cây cầu để rồi lại bị phá hủy một lần nữa sẽ trở nên vô ích.

Cũng cần nhắc lại rằng quỹ Kế hoạch Marshall gồm hơn 90% là tài trợ và chỉ 10% cho vay. Ngày nay, có những lời kêu gọi các cường quốc phương Tây bảo lãnh cho chính phủ Ukraine phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp cung cấp vốn để tái thiết, nhưng nó sẽ khiến Ukraine nợ nần chồng chất hơn nữa. Việc bảo đảm cho các khoản vay bổ sung của Ukraine sẽ chỉ là một cách để các chính phủ phương Tây tiết kiệm chi phí cho viện trợ tái thiết.

Chú thích ảnh
Các thành phố như Kharkiv đã bị phá hủy nặng nề. Ảnh: AFP/Getty Images)

Hơn nữa, Mỹ đã thành lập một cơ quan độc lập để điều hành Kế hoạch Marshall. Được tách ra khỏi  Bộ Tài chính Mỹ, Cơ quan Quản lý Hợp tác Kinh tế (ECA) có thể phát triển nhanh chóng, tránh được các vướng mắc với Liên hợp quốc.

Tương tự, viện trợ cho Ukraine nên được quản lý bởi một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm trước các chính phủ tài trợ. Mặc dù có thể tham khảo ý kiến, và lý tưởng nhất là phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nhưng cơ quan này nên duy trì sự độc lập, vì Nga là thành viên của cả hai tổ chức trên.

Thời hậu Thế chiến, các chính phủ châu Âu đã đệ trình kế hoạch chi tiết về việc chi tiêu các quỹ viện trợ của Mỹ. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán khó khăn với ECA trước khi tiền được giải ngân. Ở những nước như Hy Lạp, nơi có những lo ngại về tham nhũng, ECA đã cử hàng trăm đặc vụ tham gia vào các bộ liên quan. Rõ ràng cải cách hành chính là một trọng tâm và điều kiện tiên quyết cho viện trợ Marshall.

Người Ukraine sẽ dễ hiểu trước sự can thiệp của nước ngoài vào công cuộc tái thiết của mình. Sự giám sát đó là cái giá phải trả của viện trợ nước ngoài, đặc biệt là ở quy mô mà Ukraine sẽ yêu cầu. Chính phủ ở Kiev (Kyiv) có thể đảm bảo bằng cách tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu.

Một vấn đề nữa là Kế hoạch Marshall ưu tiên tái thiết năng lực xuất khẩu. Nó công nhận những tác động tiếp thêm sinh lực của cạnh tranh quốc tế và những lợi ích chính trị của hội nhập châu Âu. Ukraine gần như chắc chắn phải trải qua một chặng đường dài để đạt được tư cách thành viên EU. Nhưng hành trình này có thể được đẩy nhanh nếu viện trợ phương Tây được cấu trúc để gắn kết các thể chế và chính sách của Ukraine với các thể chế và chính sách của EU.

Cuối cùng, Kế hoạch Marshall năm nào đã cho phép châu Âu đi trước một thế hệ về công nghệ. Châu Âu đi sau Mỹ nhiều thập kỷ trong việc áp dụng các phương pháp sản xuất “tốc độ cao” ở thời hoàng kim của tăng trưởng kinh tế sau chiến tranh. Thay vì chỉ đơn giản là tái tạo lại nền công nghiệp châu Âu theo những đường lối trước chiến tranh, một nỗ lực đã được thực hiện để chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại của Mỹ. Các quan chức châu Âu, giám đốc doanh nghiệp đã đến Mỹ tìm hiểu về các kỹ thuật này và trở về với kiến ​​thức mới, mang lại lợi ích rõ rệt cho tăng trưởng năng suất.

Tương tự, Ukraine giờ đây cũng có cơ hội đi tắt đón đầu công nghệ - nhằm “xanh hóa” hệ thống năng lượng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc cũng như cập nhật quy hoạch đô thị. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đối với người Ukraine. Nhưng phương Tây có thể và nên giúp đỡ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Châu Âu thừa nhận cạn nguồn vũ khí giúp Ukraine
Châu Âu thừa nhận cạn nguồn vũ khí giúp Ukraine

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 22/5 cho biết khối liên minh này đã cạn kiệt trang bị quân sự giúp Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN