IS sẽ bị "xóa sổ" từ bên trong?

Thách thức lớn nhất đối với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – được mệnh danh giàu nhất thế giới - có lẽ không phải những cuộc tấn công dữ dội hay mất đi những mỏ dầu chiến lược mà lại xuất phát từ chính trong lòng tổ chức này.

Nhóm phiến quân IS, kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq có diện tích tương đương với nước Anh, đang phải đối mặt với những vấn đề rắc rối xuất phát từ chính bên trong nội bộ.

Tổ chức của các kẻ thánh chiến cực đoan này đã không ngừng xảy ra tranh cãi giữa những chiến binh nước ngoài và những phần tử là người bản địa tại Syria và Iraq.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Đông Carnegie, bà Lina Khatib cho rằng IS đã thất bại khi tập hợp những con người có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau dưới cùng một Đế chế Hồi giáo hay còn gọi là Nhà nước “caliphate”. Tình trạng này đã khiến việc quản lý lực lượng trở nên khó khăn hơn và các hoạt động quân sự trở nên kém hiệu quả hơn.

Một ngoại binh IS tại căn cứ của nhóm này ở thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters


Theo tờ Wall Street Journal, vấn đề gây tranh cãi ở đây chính là chính sách đãi ngộ giữa hai nhóm phiến quân. Các tay súng nước ngoài được trả thù lao gấp đôi so với những tay súng bản địa. Ngoại binh cũng được bố trí nơi ở đẹp đẽ hơn và ít bị điều ra mặt trận chiến đấu.

Sự chênh lệch này đã làm dấy lên sự tức giận từ phía các phần tử người gốc Iraq và Syria, khi cảm thấy phải chịu phần rủi ro lớn hơn. Và tình trạng bạo lực giữa các nhóm chiến binh đã nổ ra.  Các nguồn tin cho hay nhóm phiến quân ngoại quốc và nhóm bản địa đã có một trận đấu súng tại thị trấn Abu Kamal ở vùng biên giới Iraq sau khi có mệnh lệnh yêu cầu các tay súng người Syria phải đến Iraq chiến đấu.

Chế độ ưu đãi “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đã khiến IS mất đi sự ủng hộ của những người dân gốc Syria, vốn nhìn nhận IS như một tổ chức ngoại quốc xuất phát từ Iraq.

Bên cạnh đó, rất nhiều người nước ngoài gia nhập hàng ngũ IS đã bị vỡ mộng đối với nhóm khủng bố khét tiếng này. Những đối tượng này thường là những kẻ cuồng tín, chán đời và không có công việc ổn định. Họ tìm tới IS với lời hứa được hưởng chế độ phúc lợi đầy đủ: có một ngôi nhà, một người vợ… Tuy nhiên những gì họ nhận được chỉ là giết chóc không ghê tay, bị lạm dụng, đời sống thiếu thốn, thức ăn đạm bạc… hoàn toàn khác so với những gì được quảng bá về cuộc sống của một chiến binh thánh chiến.

Lực lượng an ninh Iraq triển khai chiến dịch tấn công giành lại thành phố Tirkit.


Nhìn chung, những kẻ thánh chiến này đều có ít kinh nghiệm quân sự và ít “máu lửa” trong chiến đấu. Họ đến với IS để được tham gia vào quá trình gây dựng một nhà nước độc lập – âm mưu mà với nhiều người là một trải nghiệm chính trị và xã hội đầy tính tiêu khiển – cũng như là để thỏa mãn yếu tố tôn giáo.

Cho đến khi bị ép cầm súng chiến đấu, nếu chống đối, những người này sẽ bị giam giữ hoặc xử tử không thương tiếc. Trong 6 tháng qua, IS đã hành quyết 120 thành viên của tổ chức này và đa số họ là những chiến binh nước ngoài mong muốn trở về nhà. Các tài liệu tuyên truyền của IS cũng tung ra những đoạn video cho thấy tổ chức này đã hành quyết các tay súng phản bội lại IS.

Thực tế, các chiến binh đào ngũ muốn trở về quê hương cũng gặp chẳng ít khó khăn. Ngay khi về tới nước nhà, họ sẽ bị bắt giam để điều tra về hành vi tham gia và hỗ trợ khủng bố ngay lập tức.

Trước những chiến dịch ồ ạt vào thành phố Tikrit ở Iraq gần đây, IS đang bị hao hụt đi cả về người lẫn số lượng thiết bị quân sự. Sự suy yếu của tổ chức này đang ngày càng hiện rõ.


Hoàng Trang(theo Business Insider)


Mối đe dọa từ IS ở Bắc Phi
Mối đe dọa từ IS ở Bắc Phi

Việc IS tuyên bố thiết lập “Wilayat Sinai” ở Ai Cập cách đây chưa lâu mở đầu cho một chiến lược chiếm đất mới của chúng tại các quốc gia vùng Bắc Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN