Các khách sạn ở Iran hiện chật cứng với các doanh nhân nước ngoài đang muốn giành được một thị phần nhỏ của thị trường mới nổi khổng lồ này, đất nước phát triển công nghiệp bậc nhất so với các quốc gia có trữ lượng dầu và khí đốt lớn trong khu vực, song lại bị cô lập kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài cũng nhận ra rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đổi lại việc Tehran kiềm chế các chương trình hạt nhân mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Những rào cản lớn nhất hiện nay là sự phản đối của phe bảo thủ ở Iran, những người lo ngại việc mở cửa với thế giới sẽ làm xói mòn các lợi ích của họ, và sự dè dặt của giới đầu tư nước ngoài trước sự tồn tại của những lệnh trừng phạt mà Mỹ đơn phương áp đặt.
Một cửa hàng kinh doanh thảm, mặt hàng truyền thống của Iran, ở thành phố Shiraz, miền tây nam nước này. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, Mỹ và châu Âu đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vào tháng 1/2016. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận khác của Mỹ vẫn còn hiệu lực. Trong số đó có lệnh cấm tiến hành giao dịch bằng đồng USD liên quan đến Iran thông qua hệ thống tài chính Mỹ và “danh sách đen” gồm các cá nhân và tổ chức bị coi là hỗ trợ cho “chủ nghĩa khủng bố được chính quyền Iran hậu thuẫn”. Mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt chống khủng bố là Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), lực lượng vừa có vai trò hành pháp trong nước, vừa có thể được triển khai để thực hiện các cuộc tấn công ở bên ngoài. IRGC cũng đứng sau một đế chế kinh tế khổng lồ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ xây dựng cho tới ngân hàng.
Các nhà đầu tư và các ngân hàng nước ngoài hàng đầu hiện lo ngại rằng Mỹ có thể loại họ khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế nếu họ, dù vô tình hay hữu ý, giao dịch với những cá nhân và tổ chức có trong danh sách đen chịu lệnh cấm của Washington.
“Rào cản” IRGC
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Iran cho biết khi tìm hiểu về chủ sở hữu thực sự của những công ty mà họ đang có ý định tiếp cận, họ thường phát hiện ra các công ty này có mối liên hệ với IRGC. Vấn đề lớn nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại là kể cả những tiếp xúc dù là vô tình của họ với các đối tác Iran nằm trong danh sách đen của Mỹ cũng có thể khiến họ phải hứng chịu các án phạt nặng nề từ Bộ Tài chính Mỹ, trong đó có việc tước quyền tham gia các thị trường tài chính tại Mỹ. Đây là một biện pháp có sức răn đe khá lớn đối với mọi doanh nghiệp toàn cầu hóa.
Lo ngại trong giới ngân hàng
Mặc dù các doanh nghiệp phương Tây thường cho rằng các đối tác Trung Quốc và Nga của họ sẽ “mạnh dạn” hơn và không lo ngại nhiều về các lệnh trừng phạt của Mỹ, song một lãnh đạo doanh nghiệp người Trung Quốc, đang làm việc tại Tehran, yêu cầu giấu tên, nói rằng thực tế là nhiều ngân hàng quốc tế cho đến giờ vẫn luôn “hắt hủi” Iran do lo ngại không được tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.
Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei phát biểu hồi tháng 4 vừa qua rằng: “Trên giấy tờ, Mỹ cho phép các ngân hàng nước ngoài giao dịch với Iran, song trên thực tế, họ tạo ra một ‘nỗi sợ Iran’ vậy nên không ai kinh doanh với Iran”.
Sự thù địch
Trong số những rào cản mà Iran đang đối mặt, không thể không nói tới chính bản thân IRGC và các nhóm lợi ích gồm những nhân vật cứng rắn trung thành với Thủ lĩnh tối cao Khamenei, những người phản đối sự hiện diện của các nhân tố nước ngoài trong nền kinh tế Iran. Một số nhà phân tích cho rằng những nhóm lợi ích có liên quan tới IRGC dường như sẽ tìm mọi cách để đập tan kỳ vọng của Tổng thống Rouhani và người dân (về sự mở cửa nền kinh tế hậu trừng phạt), bởi chính những lệnh trừng phạt mà Tehran phải hứng chịu đã tạo thời cơ cho họ chiếm ưu thế và thao túng nền kinh tế Iran.