Vậy là quả bóng "khủng hoảng nợ" Hy Lạp một lần nữa lại được chuyền sang chân Liên minh châu Âu (EU) khi hơn 61,31% cử tri "xứ sở thần thoại" nói "Không" với kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đặt ra để đổi lấy cứu trợ. Trong cuộc đặt cược đầy may rủi mà sự lựa chọn nào cũng được đánh giá là "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", dù chia rẽ đến phút cuối, số đông hơn người dân Hy Lạp rốt cuộc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras không chấp nhận sức ép từ các chủ nợ quốc tế.
Có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát từ năm 2008 đã vắt kiệt sức của những người dân Hy Lạp. Hai gói cứu trợ quốc tế liên tiếp trị giá 240 tỷ euro (271,58 tỷ USD) được đổi bằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt từng giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ năm 2010, nhưng gây bất bình sâu sắc trong dân chúng. Trong 6 năm vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ và tình trạng suy thoái, Hy Lạp đã mất 25% GDP, người dân mệt mỏi oằn mình gánh núi nợ công hiện cao nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone), lên đến 175% GDP, và tỉ lệ thất nghiệp kỷ lục 24,8%.
Người dân Hy Lạp ăn mừng tại thủ đô Athens sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: THX/TTXVN |
Hy Lạp trên thực tế chỉ sống nhờ tiền cứu trợ trong khi kinh tế hầu như không có dấu hiệu khởi sắc, và nhiều chuyên gia cho rằng chính các biện pháp khắc khổ đã cản trở sự vực dậy của nền kinh tế "xứ sở thần thoại". Đó cũng là lý do người dân dồn phiếu cho đảng cánh tả Syriza chủ trương phản đối chính sách khắc khổ trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi tháng 1 vừa qua, đưa ông Alexis Tsipras lên cầm quyền với cam kết chấm dứt chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" và đàm phán lại với các chủ nợ về gói cứu trợ quốc tế.
Kết quả suốt gần 6 tháng đàm phán dai dẳng và cam go, với mọi phương án được đặt lên bàn cân, từ yêu cầu giảm nợ, hoán đổi nợ, gói tín dụng "bắc cầu " đến gia hạn cứu trợ, cuối cùng vẫn dẫn tới việc Athens mất khả năng thanh toán cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào thời hạn chót 30/6, và kịch bản "Grexit" đã hiện hữu khi Hy Lạp gần như bước một chân ra khỏi Eurozone.
Việc người dân Hy Lạp nói "Không" trong cuộc trưng cầu ý dân dường như cũng chỉ là giải pháp tình thế giữa ngã ba đường khi họ muốn cùng một lúc sớm chấm dứt cả các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" gây khốn đốn cũng như kết thúc cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Có lẽ những người nói "Không" muốn tạo một sự hậu thuẫn cuối cùng cho chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras để khi quay lại bàn đàm phán với các chủ nợ sau ngày 5/7, Athens có thể nói rằng người dân đã quyết định hướng đi cho đất nước, đã quyết định không khuất phục những điều kiện của các chủ nợ mà ông Tsipras gọi là một “nỗi nhục nhã” và “không thể chịu đựng nổi”.
Tuy nhiên, đây cũng là quân bài mạo hiểm mang tính rủi ro rất cao, bởi trước cuộc trưng cầu ở Hy Lạp, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều thẳng thừng tuyên bố rằng họ coi cuộc bỏ phiếu với kết quả "Không" là lời nói "không" đối với châu Âu và đồng nghĩa với lựa chọn rời khỏi khu vực đồng euro. Và việc người dân Hy Lạp tỏ thái độ "không mặn mà" với Eurozone chắc chắn sẽ khiến các cuộc thương lượng giữa nước này với nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone sau cuộc trưng cầu ý dân đối mặt với những thách thức mới.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 lại đặt ra cho các nhà lãnh đạo EU thêm một ẩn số hóc búa cho bài toán Hy Lạp. Như vậy, khả năng Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone là rất lớn, kèm theo những tác động và hệ quả vô cùng khó lường đến toàn bộ khu vực. Hiện tại, các nước thành viên EU đang chia rẽ về vấn đề này. Một bên là các nước do Đức dẫn đầu cho rằng việc Hy Lạp rời Eurozone không phải là thảm họa và châu Âu đủ sức ứng phó với mọi tác động kèm theo, nhất là khi Hy Lạp đang bị coi là "chiếc thùng không đáy" ngốn các khoản tiền từ Eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã từ chức một ngày sau khi cử tri nước này bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đưa ra. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên kia là các nước, trong đó có Pháp, cho rằng bằng mọi giá phải có được thỏa thuận với Athens bởi nếu Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurozone, điều đó không chỉ gây thiệt hại kinh tế to lớn, có thể lên tới hàng nghìn tỷ euro, mà còn kéo theo sự đổ vỡ niềm tin vào chiến lược xây dựng liên minh lâu dài. Ngoài nguy cơ các chủ nợ quốc tế mất trắng khoản cho vay lên đến 242,8 tỷ euro (271 tỷ USD), chủ yếu nằm trong hai gói cứu trợ cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia Eurozone nắm giữ, việc Hy Lạp hoàn toàn đoạn tuyệt với đồng euro được ví như "một trận động đất kinh hoàng" khi nó có thể gây ra "hiệu ứng dây chuyền" đe dọa toàn bộ tương lai của đồng euro. Điều này đặt EU vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Ngay cả các nhà lãnh đạo EU và Eurozone giờ đây cũng phải lựa chọn giữa hai câu hỏi "Có" hay "Không" đối với "cơn ác mộng" Hy Lạp.
Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao ở Eurozone sẽ nhóm họp trong ngày 6/7 để thảo luận về kết quả của trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, trong khi lãnh đạo Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu Eurozone, đã kêu gọi tổ chức một hội nghị cấp cao đặc biệt của các nước trong khối bàn về vấn đề Hy Lạp vào ngày 7/7. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng đã xác nhận Hội nghị thượng đỉnh các nước Eurozone sẽ diễn ra tối 7/7 ở Brussels (Bỉ). Bản thân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý cũng tuyên bố Athens sẵn sàng tiếp tục đàm phán về kế hoạch cải cách, bởi nước này không muốn rời khỏi Eurozone, đồng thời nhấn mạnh câu trả lời ngày 5/7 của người dân Hy Lạp sẽ “giúp thay đổi cuộc đối thoại hiện nay ở châu Âu”. Đề nghị mới nhất của Hy Lạp đưa ra trước cuộc trưng cầu ý dân là gói cứu trợ mới trị giá 29,1 tỷ euro trong 2 năm, trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), vốn được xem là quỹ cứu trợ thường trực cho các nước Eurozone với mục tiêu duy trì sự ổn định của đồng tiền chung này.
Nhiều khả năng các bên sẽ phải gấp rút nối lại cuộc thương lượng nhằm tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Eurozone ngày 7/7. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để các bên đạt được thỏa thuận trước khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt nguồn Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), hiện ở mức khoảng 89 tỷ euro (99 tỷ USD), cho các ngân hàng Hy Lạp. Vấn đề là các bên có thể thỏa hiệp tới đâu, và những thỏa hiệp này cuối cùng có phải là "chiếc phao cứu sinh" cho cả Hy Lạp lẫn Eurozone hay không. Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz ngay lập tức đã hối thúc Athens nên “đưa ra những đề xuất có ý nghĩa và mang tính xây dựng” trong những giờ tới để các quốc gia Eurozone cân nhắc, bởi theo ông, các công dân, những người đến tuổi về hưu, những người ốm yếu hay trẻ em ở Hy Lạp "không đáng phải trả giá" cho kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.
Dù thế nào thì "bài toán Hy Lạp" còn tiếp tục làm đau đầu EU khi khối này cũng đang phải đương đầu với những thách thức to lớn, từ nguy cơ khủng bố tới vấn nạn nhập cư.