Sau bước suy thoái sâu trong năm 2020, kinh tế toàn cầu đang tiến đến điểm bất chắc lớn hơn khi giới hoạch định chính sách và các giới điều hành doanh nghiệp đang bám vào bước chuyển đổi từ tái mở cửa hậu đại dịch sang trạng thái bình thường hóa về tăng trưởng.
Các ngân hàng Trung ương ở Mỹ và nhiều nước đang tìm cách định ra một con đường giúp kiềm chế lạm phát nhưng lại không được phép kìm hãm tăng trưởng, trong bối cảnh họ phải lập ra một tiến trình đưa nền kinh tế thoát khỏi các biện pháp phi thông thường từng được triển khai để hỗ trợ tăng trưởng – như đưa lãi suất xuống đáy, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn thông qua các chương trình mua trái phiếu.
Được kích thích bởi gói cứu trợ hàng nghìn tỉ USD, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt trong một năm trở lại đây, làm trầm trọng thêm những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị tổn thương trước đó và có thể còn kéo dài sang năm 2022. Giá tiêu dùng tăng cao cùng với khó khăn trong bảo đảm nguồn cung nhiên liệu thô, lao động đang gây sức ép lên nhiều doanh nghiệp và các nền kinh tế lớn như Đức.
Cùng lúc, Trung Quốc vẫn đang trong nỗ lực dở dang đầy tham vọng về cải cách kinh tế, trong đó có kiểm soát núi nợ công ty, nợ hộ gia đình, nhất là trên thị trường nhà đất. Đi cùng là những biện pháp chấn chỉnh trong ngành công nghệ, nỗ lực thực hiện mục tiêu về môi trường – đều là những nhân tố khiến tăng trưởng tại Trung Quốc có thể bị chậm lại, ảnh hưởng đến toàn cầu.
Hệ quả là phục hồi kinh tế toàn cầu dù diễn ra mạnh mẽ nhưng lại đang ở thời điểm rất mong manh, tiềm ẩn nguy cơ về các bước đi sai lầm. “Đó là phần đường khó khăn của tiến trình hồi phục. Giới hoạch định chính sách phải định rõ đâu là vấn đề ngắn hạn và đâu là câu hỏi thường trực”, Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics có trụ sở ở London, nêu quan điểm.
Nếu các ngân hàng trung ương chậm hành động, lạm phát có thể tiếp tục tăng cao. Nhưng tăng lãi suất quá nhanh lại cũng có thể tạo ra lực cản đối với phục hồi kinh tế trong một thế giới có tỉ lệ nợ cao. “Rất, rất khó để dự đoán và không dễ dàng gì để định ra một chính sách”, Giám đốc Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát biểu trước báo giới ngày 3/11 sau khi công bố kế hoạch của FED về giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỉ USD/tháng.
Thách thức với Mỹ là đặc biệt lớn. Mỹ là nước tung ra gói cứu trợ phục hồi kinh tế do tác động COVID-19 quy mô nhất thế giới, lên đến 6.000 tỉ USD. Chính điều này đã đẩy chi tiêu dùng tại Mỹ hiện nay cao hơn 9% so với thời kỳ tiền đại dịch. Yếu tố này cùng với tắc nghẽn chuỗi cung ứng – thể hiện rõ nhất là tình trạng hàng hóa ùn tắc ở nhiều cảng bờ Tây, đã đẩy lạm phát tại Mỹ lên mức 5,4% trong tháng 9, mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chậm lại, với mức tăng trưởng bình quân là 3-4% trong một vài năm tới theo nhận định của tập đoàn Nomura. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vướng phải sức ép từ vấn đề thiếu hụt năng lượng và nguyên nhiên liệu đầu vào, cùng với đó là tác động từ việc chính quyền mạnh tay chỉnh đốn một số ngành kinh tế chủ chốt như bất động sản.
Theo Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á không kể Nhật Bản tại Daiwa Capital Markets, tăng trưởng tại Trung Quốc sẽ chậm lại với biên độ rộng hơn và thời gian sẽ kéo dài hơn so với những gì từng xảy ra trong 10 năm qua.
Tại Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đã lắng dịu, các nhà máy, cơ sở sản xuất đã mở cửa trở lại, giúp phục hồi những mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế tại khu vực tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, giá cước phí vận tải biển tăng cao và nguy cơ bùng phát dịch.
Tại châu Âu, doanh số xe ô tô bán ra trong quý 3 giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do thiếu hụt chip, thiết bị bán dẫn. Kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong vài tháng tới do căng thẳng, đứt gãy chuỗi cung tác động nặng nề đến khu vực sản xuất, chế tạo, nhất là công nghiệp ô tô. Trong tháng 9, sản lượng công nghiệp tại Đức thấp thấp hơn 10% so với thời kỳ tiền đại dịch.