Mỹ chỉ trích OPEC+ cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu, cảnh báo đòn đáp trả

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) không chấp nhận lời kêu gọi của Mỹ về tăng nhanh sản lượng khai thác dầu thô để kiểm soát đà tăng của giá dầu.

Chú thích ảnh
Các nước OPEC+ chỉ đồng ý tăng nhẹ sản lượng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch đã đề ra bất chấp sức ép từ Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng cho rằng OPEC+ gây nguy cơ cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu khi từ chối tăng sản lượng khai thác, đồng thời cảnh báo Mỹ sẵn sàng sử dụng “mọi công cụ cần thiết” để kìm hãm đà tăng của các mặt hàng nhiên liệu.

Động thái trên xuất hiện tại thời điểm OPEC+ phản đối đề xuất của Mỹ, tuyên bố sẽ chỉ tăng sản lượng theo kế hoạch đã đề ra trước đó về tăng 400.000 thùng dầu khai thác/ngày bất chấp nhu cầu tiêu thụ tăng vọt.

“OPEC+ dường như không sẵn lòng sử dụng năng lực và tiềm năng hiện có ở thời điểm có tính chất quyết định với phục hồi kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi quan niệm rằng phục hồi toàn cầu không nên bị cản trở bởi mất cân bằng cung cầu”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nêu quan điểm.

Giá dầu hiện tiệm cận mức cao nhất trong vòng 7 năm qua ngay ở thời điểm hoạt động kinh tế còn chưa quay trở lại mức tiền đại dịch, trong khi chi phí năng lượng tăng cao đang gây ra những quan ngại về lạm phát. Giá dầu thô Biển Bắc đã giảm khoảng 2%, xuống còn 80 USD/thùng sau cuộc gặp của OPEC+ ngày 4/11 với quyết định chỉ tăng nhẹ sản lượng khai thác.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Nga và Saudi Arabia là nguồn cơn gây căng thẳng cung cầu dầu mỏ, đẩy giá xăng tại thị trường Mỹ tăng 60% trong vòng 12 tháng qua. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hồi tháng trước cũng khẳng định xuất kho dầu dự trữ chiến lược là một trong những công cụ chính quyền Mỹ có thể sử dụng để kiềm chế đà tăng giá.

Về phần mình, Saudi Arabia lên tiếng bảo vệ quan điểm về không tức thời gia tăng mạnh sản lượng, cho rằng OPEC+ đã hành động “có trách nhiệm” khi tăng dần sản lượng, với mức tăng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. “Những gì chúng ta từng chứng kiến trong nhiều tháng qua cho thấy cần phải thể chế các thị trường năng lượng, nếu không mọi chuyện sẽ lạc lối”, Thái tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11.

Tại cuộc gặp của OPEC+, các nước thành viên cho thấy quan điểm thống nhất trước Mỹ. Bộ trưởng năng lượng các nước thành viên đều ủng hộ quyết định tăng nhẹ sản lượng. Tuyên bố chung của OPEC+ khẳng định nhóm này muốn đưa ra một định hướng rõ ràng với thị trường ở thời điểm nhiều loại hàng hóa nhiên liệu nằm bên ngoài thị trường dầu mỏ đang trải qua những biến động lớn. Bộ trưởng Abdulaziz nhiều lần dẫn chứng về diễn biến trên thị trường khí đốt và than đá gần đây để lý giải cho quyết định của OPEC+, nhưng điều đó chưa làm Mỹ hài lòng.

Saudi Arabia lâu nay được coi là đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ ở Trung Đông. Nhưng quan hệ giữa hai nước gia tăng căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông Biden đã từ chối trao đổi với Hoàng thân Mohammed bin Salman. Mỹ hồi tháng 3 vừa qua công bố thông tin tình báo giải mật, cho rằng chính ông Mohammed bin Salman là người đã ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, người cộng tác với tờ Washington Post.

Thái tử Abdulaziz là người cùng cha khác mẹ với Hoàng thân bin Salman. Ông Abdulaziz tức giận trước việc nhiều nước phương Tây đang tìm cách giảm dần tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng lại yêu cầu Saudi Arabia phải tăng sản lượng khai thác dầu thô.

“Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đứng trước nguy cơ rạn nứt, khi Mỹ tìm cách xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng trong hoàn cảnh này Saudi Arabia cũng rất cần nguồn thu tài chính để hỗ trợ tiến trình chuyển đổi năng lượng. Saudi Arabia muốn hướng đến giá dầu và một mối quan hệ thích ứng, hài hòa với mục tiêu đó”, Christyan Malek, trưởng bộ phận nghiên cứu về dầu mỏ và khí đốt tại JPMorgan bình luận.

Nhà Trắng cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ hành xử của Nga trên thị trường khí đốt tự nhiên, khi giá khí đốt đã tăng gấp 5 lần trong năm nay. Nhiều nghị sĩ tại châu Âu và Mỹ đã buộc tội Moskva là tác nhân làm giá mặt hàng nhiên liệu này tăng vọt khi có ý tìm cách hạn chế nguồ cung sang các nước Tây Âu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
OPEC+ quyết định duy trì nhịp độ tăng sản lượng
OPEC+ quyết định duy trì nhịp độ tăng sản lượng

Sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc bơm thêm dầu ra thị trường nhằm “hạ nhiệt” giá “vàng đen”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN