Cụ thể, OPEC+ quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày theo thỏa thuận đạt được trước đó ba tháng.
Nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia đã bác bỏ những lời kêu gọi trước thềm cuộc họp này về việc nhanh chóng gia tăng nguồn cung dầu cho thị trường. Các nguồn tin của OPEC+ cho rằng, Mỹ có nhiều khả năng tự nâng sản lượng nếu muốn đà phục hồi kinh tế thế giới tăng tốc.
Trong năm nay, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, đạt trên 86 USD/thùng, nhờ nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục hồi mạnh mẽ sau khi nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 và OPEC+ từng bước gia tăng nguồn cung.
Các nhà sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC+ lo ngại về việc giá dầu tăng quá “nóng”, nhưng đồng thời cũng sợ những diễn biến tiêu cực mới trong cuộc chiến chống đại dịch.
Tuần trước, Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải “thận trọng và chú ý đến tình hình thị trường không ngừng biến động". Dù giá cao hơn sẽ có lợi cho các nước sản xuất dầu vì doanh thu gia tăng, đặc biệt sau thời kỳ trì trệ do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn có những lo ngại rằng giá cao có thể kìm hãm đà phục hồi còn yếu của kinh tế thế giới và từ đó làm giảm nhu cầu dầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần trước đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng cường công suất dự phòng để đảm bảo sự phục hồi vững chắc hơn của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố của ông là một phần trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm gây áp lực buộc OPEC và các đồng minh tăng nguồn cung dầu mỏ.
Bên cạnh Mỹ, các quốc gia tiêu thụ dầu lớn cũng đã gây "áp lực ngoại giao mạnh nhất đối với OPEC+” theo cả hình thức công khai lẫn kín đáo. Tháng trước, đại diện của Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu tiếp xúc với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khác, cũng như với các thành viên của OPEC+. Các cuộc tiếp xúc này đã tăng lên trong những ngày gần đây sau khi giá dầu vượt mức 85 USD/thùng.