Các đại biểu tham dự Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng EU ở Bratislava ngày 4/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Đó là nội dung trong bài phân tích của chuyên gia Eszter Zalan trên trang mạng euobserver.com về Hội nghị thượng đỉnh Bratislava vào ngày 16/9 tới.
Theo đó, hiện nay các quan chức EU vẫn khá khiêm tốn khi đề cập đến triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh tại Bratislava. Một quan chức EU cho biết: “Chúng tôi không hy vọng nhiều đối với hội nghị tại Bratislava. Các lãnh đạo EU sẽ cố gắng thể hiện sự đoàn kết rằng với 27 nước thành viên còn lại EU vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Bản thân điều này có thể được coi là một thành công tại hội nghị sắp tới”.
Các nỗ lực ngoại giao con thoi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tại các nước thành viên trong những tuần gần đây cho thấy, việc tìm ra động lực mới cho sự phát triển của EU vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, dường như đã xác định được một số trọng tâm ưu tiên của EU trong thời gian tới.
“Sự bảo vệ” có thể sẽ trở thành ưu tiên chung của 27 nước thành viên EU cũng như một trong những trọng tâm để thể hiện rằng EU sẽ đáp ứng tốt hơn đối với nhu cầu của người dân.
Trong tuyên bố ngày 2/9 Chủ tịch EC Donald Tusk nhấn mạnh: Người dân ở Slovakia, Ba Lan, Bỉ và khắp châu Âu hy vọng rằng sau hội nghị Bratislava, EU sẽ là nhân tố đảm bảo an ninh, sự ổn định và bảo vệ người dân. Bảo vệ với nghĩa rộng nhất bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Một chủ đề khác mà các lãnh đạo EU sẽ cố gắng đạt sự đồng thuận là tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới ngoài. Các lãnh đạo EU cũng sẽ phải xác định quan niệm thực tế về vấn đề an ninh kinh tế.
Một quan chức EU cho rằng điều này sẽ giúp EU xác định cách thức phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay: “Đây là vấn đề mới do Chủ tịch Donald Tusk đưa ra, nhất là trong chính sách thương mại và đảm bảo an ninh năng lượng. Có thể các cuộc thảo luận sắp tới tại Bratislava sẽ định hình khái niệm này”.
Tuy nhiên, quan chức này không hy vọng các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực thương mại hiện nay như việc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ hay Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện (CETA) với Canada… sẽ đạt được kết quả cụ thể.
Mặc dù vậy, việc xác định các trọng tâm của EU trong thời gian tới không phải là quá trình dễ dàng. Lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ cố gắng xác định mức độ của các mục tiêu chung từ hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cho đến đối phó với các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.
Chẳng hạn như Pháp mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước EU, xây dựng một nền quốc phòng “độc lập”, tách biệt khỏi NATO và Mỹ. Pháp cũng muốn mở rộng quỹ đầu tư EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.
Một số quốc gia muốn EU tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại còn một số khác lại nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Rõ ràng, giữa các nước thành viên EU có sự khác biệt về quan niệm và chính trị về cách thức đối phó với áp lực của toàn cầu hóa.
Khả năng EU sẽ đạt đồng thuận về việc mở rộng quỹ đầu tư Juncker nhằm thúc đẩy tăng trưởng - vấn đề mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker dự kiến sẽ đưa ra trong bài phát biểu tuần tới tại Nghị viện châu Âu. Vấn đề di cư sẽ được giải quyết thông qua việc tăng cường an ninh và kiểm soát biên giới.
Các vấn đề gây tranh cải như việc cải cách chính sách tị nạn của EU dường như sẽ không được đề cập tới tại Hội nghị lần này. Ngoài ra, khả năng vấn đề “Brexit” cũng sẽ nằm ngoài trọng tâm của chương trình nghị sự do hiện EU chưa nhận được các đề nghị chính thức từ phía Anh liên quan đến vấn đề này.
Một quan chức EU khẳng định, Bratislava là điểm khởi đầu của một quá trình sẽ được hoàn thiện tại Rome (Italy) vào tháng 3 năm 2017. Tại Hội nghị Bratislava, lãnh đạo EU sẽ xác định một “lộ trình” cụ thể về các mục tiêu cần đạt được trong những tháng tới, trước lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome – một trong những cơ sở cho việc hình thành Liên minh châu Âu”.