“Hổ Mang Vàng 2013” và chính sách của Mỹ ở châu Á

Cuộc diễn tập quân sự mang tên “Hổ Mang Vàng 2013”, cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia lớn nhất của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính thức bắt đầu ngày 11/2 và kéo dài đến 21/2.

 


Lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trận “Hổ Mang Vàng 2013” tại tỉnh Chonburi, Thái Lan, ngày 14/2/2013. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Đây là cuộc diễn tập quân sự hàng năm lần thứ 32 của Mỹ và Thái Lan, huy động sự tham gia của 13.000 binh sĩ thuộc quân đội Mỹ, Thái Lan và 5 nước châu Á khác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo, cùng các quan sát viên của 20 nước tham dự, trong đó lần đầu tiên có quan sát viên của Mianma.


Theo tạp chí Stars & Stripes (Mỹ) ngày 16/2, lực lượng chủ yếu của cuộc diễn tập là hơn 1.000 lính thủy đánh bộ và hải quân Mỹ thuộc Đơn vị Viễn chinh Lính thủy đánh bộ thứ 31 - một bộ phận trực thuộc Lực lượng Đổ bộ của Hạm đội 7 Mỹ. Trong 10 ngày diễn tập, các lực lượng sẽ tiến hành hàng loạt tình huống tác chiến trên thực địa, từ các cuộc tấn công đổ bộ và chiến tranh rừng núi đến các kế hoạch hỗ trợ dân sự và nhân đạo.


Các binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quốc phòng “Trở lại châu Á” của chính quyền Tổng thống Barack Obama, trong đó yêu cầu tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực. Thuyền trưởng Cathal O'Connor, chỉ huy Lữ đoàn Đổ bộ 11, cho biết chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama nhằm tái bố trí các tài sản và lực lượng của Mỹ sau hơn 10 năm Mỹ tập trung các nỗ lực cho cuộc chiến tranh tại Ápganixtan và Irắc.


Theo nhận định của ông Jon Grevatt, nhà phân tích châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí quân sự IHS Jane's, hiện nay, do Mỹ một lần nữa chú trọng đến Thái Bình Dương nên cuộc diễn tập “Hổ Mang Vàng” đóng một vai trò quan trọng mới. Mục đích của cuộc diễn tập là nhằm thể hiện sức mạnh của hợp tác quân sự giữa Mỹ và các nước đối tác. Bà Sheila A. Smith, chuyên gia về an ninh khu vực châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, nói: “Tổng thống Obama là một tổng thống Thái Bình Dương. Tổng thống nhận ra rằng khu vực đã bị lơ là quá lâu. Do đó, cuộc diễn tập nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự giữa Mỹ và các nước đối tác”.


Ông Matt Stumpf, chuyên gia về quan hệ Mỹ - châu Á thuộc Hội châu Á tại New York, cho biết thêm: Vấn đề quan trọng là cuộc diễn tập năm 2013 diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đẩy mạnh việc triển khai chính sách tái cân bằng ở châu Á. Ông nói: “Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu rõ quan điểm của họ rằng châu Á rất quan trọng đối với Mỹ trong thế kỷ 21. Do Mỹ sẽ rút quân khỏi Ápganixtan và kết thúc cuộc chiến tranh ở Irắc, Mỹ sẽ có nhiều cơ hội ở châu Á - cả về ngoại giao và quân sự”.


Kế hoạch tăng cường lực lượng của Mỹ trong khu vực được mở đầu bằng việc Hải quân Mỹ phái tuần dương hạm trang bị tên lửa có điều khiển và mới được nâng cấp USS Antietam tham gia Hạm đội 7 đặt căn cứ tại Nhật Bản. Tuần dương hạm USS Antietam sẽ cung cấp cho Hải quân Mỹ một hệ thống phòng không hiện đại hơn, có khả năng chống lại các tên lửa đạn đạo. Hải quân Mỹ sẽ điều động thêm nhiều tàu chiến khác đến khu vực trong tương lai gần khi Lầu Năm Góc tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển khoảng 60% lực lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ đến chiến trường châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020.
Không chỉ Hải quân Mỹ đang triển khai hành động, Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cũng triển khai 2 tiểu đoàn, gần 2.000 binh sĩ, đến Okinawa trong 6 tuần qua và dự kiến mùa hè năm 2013 sẽ điều động thêm một số đơn vị nữa đến Nhật Bản. Hiện nay, Mỹ có hơn 17.000 lính thủy đánh bộ đồn trú tại Nhật Bản - mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.


Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã đến thăm Đông Nam Á trong những tháng gần đây để khẳng định chiến trường châu Á - Thái Bình Dương rất quan trọng cho chiến lược của Mỹ.

 

Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN