Hàng trăm nghìn người Mỹ có thể tử vong do tiêm chủng chậm chạp

Mỹ đã vượt mốc 20 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nước này không đạt mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người trong năm 2020. Điều này cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Houston, Texas ngày 31/12. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), việc phân phối vaccine của Mỹ bị các chuyên gia mô tả là vô cùng “hỗn loạn”, với nhiều chỉ trích cho rằng cách triển khai vaccine thiếu hiệu quả của giới chức đang phá hỏng nỗ lực tiêm chủng của nước này.

Chỉ trong 3 ngày cuối năm, nước Mỹ đã ghi nhận trên 10.000 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên gần 350.000 cho đến nay. Trong đó, ngày 30/12/2020 được coi là ngày chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, với trên 3.700 người tử vong trong 24 giờ. 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, vaccine được coi là hy vọng lớn nhất có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia đang cảnh báo rằng có thể sẽ có thêm hàng trăm nghìn ca tử vong nếu quá trình tiêm chủng không được triển khai nhanh chóng và chắc chắn.

Ông Ashish Jha, Trưởng khoa Sức khoẻ cộng đồng tại Đại học Brown, cho rằng nếu việc triển khai vaccine vẫn diễn ra với tốc độ hiện tại, nước Mỹ có thể tốn "rất, rất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm" để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng quốc gia. Đồng thời, nếu vẫn tiếp tục trì hoãn trong nhiều tháng, điều đó có thể khiến Mỹ mất đi “vài trăm nghìn người”.

Một phân tích của kênh NBC News đầu tuần này cũng nhận định với tỉ lệ tiêm chủng hiện nay, nước Mỹ sẽ mất gần 10 năm mới có thể tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ người Mỹ để kiểm soát đại dịch.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ được tiêm vaccine COVID-19 tại bang Texas. Ảnh: WFAA

Cho đến nay, nhiều loại vaccine mới mang tính đột phá đang được tung ra thị trường như một loại “vũ khí” cứu nguy, bao gồm vaccine của Pfizer/BioNTech, vaccine Moderna và vaccine do Đại học Oxford cùng AstraZeneca hợp tác phát triển. Nhiều loại vaccine khác vẫn đang được thử nghiệm.

Ông Bruce Y Lee, Giáo sư sức khỏe cộng đồng và chính sách y tế tại Đại học Thành phố New York (CUNY), cho biết: “Các loại vaccine này dường như có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu triển khai chậm trễ 1 tuần, 2 tuần hay 3 tuần, trong khi các ca bệnh đang ngày càng tăng nhanh hơn, chúng ta sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Đặc biệt, những nhân viên y tế là những người chịu hậu quả nặng nề nhất”.

Việc cung cấp vaccine cho người dân ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ cũng đang gặp thách thức do kinh phí hạn hẹp và hậu cần phân tán. 

Hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ thường xuyên thiếu tiền. Trong khi giới chức địa phương và bang từ lâu đã cảnh báo rằng họ cần hơn 8 tỉ USD tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, Nhà Trắng chỉ cấp cho các bang 340 triệu USD để chuẩn bị tiêm chủng.

Trong nhiều tháng, một số nhà lập pháp Quốc hội đã nỗ lực kêu gọi chính phủ cấp nhiều tiền hơn để hỗ trợ phân phối vaccine. Song, phải đến hôm 27/12/2020, khi dự luật viện trợ COVID-19 bị trì hoãn được Tổng thống Donald Trump phê duyệt, khoản trợ cấp bổ sung 8 tỉ USD mới được thông qua.

Nhưng ngay cả khi nguồn hỗ trợ được bổ sung, các bang vẫn không giải quyết triệt để vấn đề. Các chuyên gia cho rằng cần có một kế hoạch thống nhất, mang tính quốc gia để giải quyết những khó khăn về mặt hậu cần.

“Liều lượng sản xuất và phân phối không đủ. Các liều được phân phối phần lớn đều không được quản lý. Điều này không có gì quá ngạc nhiên, vì chưa có một kế hoạch quốc gia được phối hợp rõ ràng”, Giáo sư Lee nói thêm.

Cách quản lý vaccine của các bang đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Việc vaccine Pfizer/BioNTech cần được bảo quản trong nhiệt độ -70C, vaccine của Moderna cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -20C, đồng nghĩa với việc các địa phương có thể gặp khó khăn trong việc tìm tủ đông có khả năng bảo quản phù hợp.

Bên cạnh đó, việc thiếu sự phối hợp trong việc cung cấp vật tư y tế như ống tiêm, kim tiêm và gạc tẩm cồn, cũng đã khiến việc triển khai tiêm chủng gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế 77 tuổi chờ tới lượt tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Getty Images

Nhiều ghi nhận khác trên khắp nước Mỹ đã phác hoạ một bức tranh lộn xộn về việc triển khai tiêm chủng vốn còn tồn đọng nhiều hạn chế.

Cư dân bang Texas đã phàn nàn rằng các nhà cung cấp vaccine không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin tiêm vaccine, các trang web chính thức của họ cũng khó xác định và người dân không biết tiêm vaccine ở đâu.

Tại Florida, những người từ 65 tuổi trở lên đã có thể bắt đầu tiêm phòng COVID-19. Nhưng nhiều người không lường trước được cảnh tượng những người cao tuổi phải cắm trại qua đêm để chờ tiêm vaccine. 

Bà Terry Beth Hadler, 69 tuổi, đã phải xếp hàng trong bãi đỗ xe xuyên đêm cùng hàng trăm người bên ngoài thư viện Bonita Springs, phía tây nam Florida. Sau khi chờ đợi suốt 14 giờ, bà chia sẻ rằng một cuộc chiến gần như đã nổ ra trước khi trời sáng, khi một số người chen nhau xếp hàng. Bà lo ngại sự kiện này có thể khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.

Gần Miami, đường dây nóng trang web của Bộ Y tế đã bị nghẽn mạng khi những người cao niên đổ xô gọi điện đến đặt lịch hẹn tiêm chủng.

Thành phố New York, điểm nóng về dịch COVID-19 trên thế giới vào đầu mùa xuân, cũng đang xảy ra tình trạng phân bổ vaccine chậm chạp. Thành phố đã nhận được hơn 340.000 liều vaccine nhưng mới chỉ cung cấp cho khoảng 88.000 người. 

Không ai có thể phủ nhận rằng việc triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong bối cảnh khủng hoảng y tế công cộng đang diễn ra trên toàn quốc là một thách thức lớn.

“Các liều vaccine đã được phân phối đến các bệnh viện sẽ không được sử dụng trong một sớm một chiều. Các bệnh viện đang hoạt động với tốc độ rất cân nhắc. Các nhà cung cấp cần được đào tạo và nhân viên y tế cần được hướng dẫn về vaccine. Tuy nhiên, hiện nguồn lực của các bệnh viện cũng đang rất thiếu thốn, các nhân viên y tế vừa phải tiếp cận việc tiêm chủng vừa phải chăm sóc bệnh nhân", Claire Hannan, người đứng đầu Hiệp hội Nhà quản lý tiêm chủng, nói.

Bà Jessica Justman, Phó Giáo sư y khoa về Dịch tễ học tại Trường Y tế công cộng Columbia Mailman, cho rằng sự chậm trễ trong viêc việc triển khai vaccine gần như là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sẽ phải trả giá bằng mạng sống nếu không cẩn trọng.

Hải Vân/Báo Tin tức
BioNTech cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng COVID-19
BioNTech cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng COVID-19

Ban lãnh đạo hãng dược phẩm BioNTech của Đức cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến khi các loại vaccine khác được lưu hành trên thị trường, do đó hãng này đang nỗ lực hợp tác với đối tác Pfizer của Mỹ để thúc đẩy sản xuất vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN