Hàng loạt thách thức bủa vây chính quyền mới ở Afghanistan

Ngày 19/8, Taliban đã tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, chỉ 4 ngày sau khi lực lượng này lên nắm quyền. Tuy nhiên, nỗ lực điều hành đất nước đang đứng trước hàng loạt thách thức ngổn ngang.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban tại Dinh Tổng thống ở Kabul, Afghanistan, sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP

Phong trào phản kháng trong nước nổi lên 

Theo tờ Washington Post, từ hôm 18/8, các cuộc biểu tình chống Taliban giành quyền kiểm soát đã nổi lên ở ít nhất hai thành phố tại Afghanistan. Điều này đã làm gia tăng áp lực đối với Taliban, khiến lực lượng này phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó, các tay súng Taliban đã bị cáo buộc sử dụng súng đạn và có hành vi bạo lực trong nỗ lực nhằm kiểm soát đám đông tại sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul, nơi hàng nghìn người đã tập trung trong những ngày gần đây với hy vọng tìm được những chuyến bay rời khỏi đất nước.

Trong bối cảnh đó, các chiến binh Taliban đã nỗ lực thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ không có kế hoạch tái áp đặt chế độ cai trị hà khắc như trong thời kỳ nắm quyền năm 1996 - 2001, thay vào đó Taliban mong muốn tái hòa nhập và hòa bình. Song những cam kết này vẫn khiến nhiều người hoài nghi.

Taliban hiện đang đứng trước không ít vấn đề, lực lượng này phải tiếp quản một đất nước đang phải vật lộn với hạn hán, đại dịch COVID-19 và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Ngân sách của nhà nước đã cạn kiệt, các nguồn quỹ nước ngoài của Afghanistan cũng bị đóng băng, nhiều cơ quan viện trợ đã dừng hoạt động cứu trợ vì các đợt tiến công của lực lượng này.  

Chú thích ảnh
Các chiến binh Taliban đi tuần tra ở Kabul, Afghanistan hôm 19/8. Ảnh: AP

Trong khi các chính phủ nước ngoài vẫn chưa thể hiện ý định liệu họ có công nhận Taliban hay không, một số quan chức của chính phủ Afghanistan vừa bị lật đổ đã cam kết sẽ tiến hành chiến dịch phản kháng chống lại chế độ cầm quyền của Taliban.

Ông Martine van Bijlert, người đồng sáng lập Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan nhận định: “Việc chuyển từ một lực lượng nổi dậy sang một chính phủ sẽ phải có trách nhiệm, phải học cách lắng nghe nhiều ý kiến cũng như học cách dung hòa về chính trị, lối sống và điều đó không dễ dàng”.

Một trở ngại khác có thể “ngáng chân” Taliban đó là việc cựu Tổng thống Ashraf Ghani hôm 19/8 cho biết ông có ý định quay lại Afghanistan, vài ngày sau khi nhà lãnh đạo này rời khỏi đất nước. Ông cam kết sẽ trở lại để "tiếp tục đấu tranh vì quyền của nhân dân" nhưng không nêu rõ thời gian. Hiện ông Ghani đang lưu trú tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Thông báo của chính phủ cho biết ông được quốc gia này tiếp nhận vì “lý do nhân đạo”.

Ngoài ra, Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh, người tự xưng là “Tổng thống lâm thời” của đất nước, đã thông báo trên trang Twitter rằng ông đang “liên hệ với tất cả các nhà lãnh đạo để có được sự ủng hộ và sự đồng thuận của họ”. 

“Hãy tham gia phong trào kháng chiến”, ông Amrullah Saleh kêu gọi trên Twitter. Theo nguồn tin, ông Amrullah Saleh đã đến Thung lũng Panjshir, phía bắc Kabul và đang tập hợp lực lượng chống Taliban cùng với Ahmad Massoud – con trai của Ahmad Shah Massoud – một chỉ huy nổi tiếng chống Taliban đã bị al-Qaeda ám sát 2 ngày trước cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001.

Thách thức kinh tế - xã hội

Hôm 18/8, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady cho biết Taliban sẽ chỉ có quyền tiếp cận một phần nhỏ trong số 9 tỉ USD dự trữ quốc tế của nước này, hiện được gửi trong các ngân hàng ở Mỹ. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã đóng băng các quỹ của Afghanistan trong những ngày gần đây nhằm cố gắng đạt được đòn bẩy đối với Taliban. Song động thái này có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế của Afghanistan, một quốc gia nghèo khó vẫn phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ và quốc tế.

Trong thông báo trên Twitter, ông Ahmady đã nêu chi tiết nơi gửi của các quỹ dự trữ và cho biết ông đã nghe nói về việc các thành viên Taliban đang điều tra nhân viên ngân hàng trung ương về “vị trí các quỹ này”.

“Nếu điều này là đúng thì rõ ràng Taliban đang cần bổ sung gấp một chuyên gia kinh tế trong đội ngũ của mình. Taliban và những người hậu thuẫn nên dự đoán trước tình huống này. Họ chiến thắng về mặt quân sự và giờ họ phải cai quản đất nước. Điều đó không hề dễ dàng”, ông Ahmady viết.

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông Afghanistan dọn đường cho các chiến binh Taliban đi tuần tra ở Kabul. Ảnh: AP

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng đang bày tỏ lo ngại về khả năng trẻ em tại Afghanistan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trầm trọng, trong bối cảnh các tổ chức cứu trợ đình chỉ hoạt động sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.

“Ngay cả trước khi Taliban tiến hành các chiến dịch quân sự, người dân Afghanistan đã phải đối mặt với tình trạng nghèo đói khẩn cấp cao thứ 2 thế giới. Theo đánh giá, một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi tại nước này có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm 2021 và cần được điều trị y tế”, tổ chức cho biết.

Thách thức về chính trị

Trong lúc các quan chức Taliban đang tính đến sự phức tạp của việc trả lương cho nhân viên chính trị và tìm cách cải thiện kinh tế, thì các vấn đề chính trị đã nổi lên. Tại thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan, hàng trăm người biểu tình yêu cầu treo lại quốc kỳ Afghanistan tại các văn phòng thay vì cờ của Taliban. Họ mang theo cờ Afghanistan, một số người thậm chí hạ cờ Taliban treo ở trung tâm thành phố.

Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, những người biểu tình tuần hành trên các tuyến đường và có tiếng súng vang lên. Tờ Al Jazeera đưa tin hai người biểu tình đã thiệt mạng. Ông Danish Karokhil, Tổng biên tập Hãng thông tấn Pajhwok của Afghanistan cho biết Taliban đã nổ súng vào những người biểu tình và hành hung các nhà báo. Các cuộc biểu tình lớn khác cũng diễn ra tại tỉnh Khost, phía đông Afghanistan, truyền thông địa phương cho biết.

Tại thủ đô Kabul, một nhà báo khác đã bị các tay súng Taliban tấn công hôm 18/8 tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai khi đang phỏng vấn những người đang cố gắng rời khỏi đất nước.

Chú thích ảnh
Người dân chuẩn bị lên máy bay sơ tán tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

Ahmadullah Wasiq, một phát ngôn viên của Taliban, cho biết trong một tin nhắn với rằng họ “lo ngại và không hài lòng” về cáo buộc thành viên của họ tấn công các nhà báo. 

“Chúng tôi đang cố gắng điều tra. Chúng tôi muốn thực hiện hành động pháp lý chống lại những hành động này”, Wasiq nói.

Trong khi đó, sự hỗn loạn tại sân bay, nơi hàng nghìn người tuyệt vọng đang tìm cách rời khỏi đất nước trên các chuyến bay sơ tán nhân viên ngoại giao của Mỹ và các quốc gia khác, cũng là phép thử đầu tiên về khả năng xử lý khủng hoảng của chính quyền Taliban.

Mullawi Faroq, một quan chức địa phương của Taliban ở Bamian, thừa nhận nhiều người dân đã  phàn nàn về sự hỗn loạn và mất trật tự trong những ngày sau khi Taliban lên nắm quyền ở Bamian.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều lời phàn nàn,” ông nói. Tuy nhiên, ông cho biết lực lượng Taliban đang được triển khai đến nhiều nơi khác và tình hình dần được cải thiện. “Chúng tôi đã mang lại trật tự và an ninh cho đất nước”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Taliban đối mặt khủng hoảng tài chính khi bị đóng băng mọi nguồn dự trữ, viện trợ
Taliban đối mặt khủng hoảng tài chính khi bị đóng băng mọi nguồn dự trữ, viện trợ

Chiếm được chính quyền nhưng Taliban có thể lập tức đối mặt với khủng hoảng tài chính khi không có khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ và các khoản viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN