Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (trái) với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc họp thượng đỉnh năm 2000. Ảnh: Getty Images
|
Cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đánh dấu một bước ngoặt ngoại giao, mở đường cho hy vọng hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc gặp thượng đỉnh có một kết quả như ý, thiết lập được thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn giữa hai quốc gia, Tổng thống Moon Jae-in phải chú ý để không lặp lại sai lầm trong lịch sử từ những lần gặp thượng đỉnh trước đó giữa những người tiền nhiệm với cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đây, tập trung chủ yếu vào việc chấm dứt xung đột và mở rộng giao thương giữa hai nước, được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007 đã đạt được một số thỏa thuận về mặt quân sự và kinh tế.
Tạp chí Financial Times dẫn nhận xét của Giáo sư Park Jung-jin đang làm việc cho Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) đưa tin: “Những cuộc gặp thượng đỉnh trong quá khứ chỉ mang tính chất biểu tượng cao do việc thực hiện theo thỏa thuận lỏng lẻo. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được trong cuộc gặp tuần này”.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần này tổ chức tại làng đình chiến Panmunjom được coi là một bước tiến triển lớn, song lại phức tạp hơn hai lần gặp trước, trong bối cảnh Seoul và Washington luôn ưu tiên việc loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng như Triều Tiên đã chứng minh được năng lực tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là có khả năng đe dọa nước Mỹ.
“Chúng ta đang ở một thế giới khác biệt. Triều Tiên hiện sở hữu vũ khí hạt nhân”, Kim Tae-woo – cựu lãnh đạo Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai quốc gia vào năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung giành Giải Nobel Hòa bình với “Chính sách Ánh dương”. Trong chuyến thăm 3 ngày tới Bình Nhưỡng, cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Kim Jong-il đã nhất trí hướng tới một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc tái thống nhất và mở rộng trao đổi kinh tế, nhân đạo.
Kết quả của cuộc gặp là tạo điều kiện cho nhiều gia đình ly tán do Chiến tranh Triều Tiên được đoàn tụ, một khu phức hợp công nghiệp chung được xây dựng tại thị trấn biên giới Kaesong.
Tuy nhiên, những thành tựu đó đều phút chốc tan biến vì tiết lộ Seoul trả 500 triệu USD cho Bình Nhưỡng để tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Đến năm 2007, cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm, bước qua biên giới hai nước để đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Cuộc gặp được diễn ra trong bối cảnh có nhiều hoạt động ngoại giao được thực hiện dưới một thỏa thuận, tại đó Bình Nhưỡng nhất trí từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế, năng lượng.
Kết quả cuộc gặp lần đó là một thỏa thuận gồm 8 điểm, trong đó lãnh đạo hai nước cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và thiết lập một khu vực đánh bắt cá chung trên vùng biển biên giới phía Tây để tránh những va chạm hàng hải.
Thỏa thuận được đưa ra trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Roh. Do vậy, việc thực hiện các cam kết không có tiến triển mấy khi các tổng thống phe bảo thủ, có lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên, sau đó lên nắm quyền. Cuối cùng, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hiện Tổng thống Moon Jae-in, người giữ chức Chánh Văn phòng của cựu Tổng thống Roh và tham gia công tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007, sẽ là người tiếp tục mang trọng trách đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đó đều được ghi nhận làm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều, song Chính phủ Hàn Quốc cũng bị chỉ trích vì cung cấp viện trợ kinh tế “vô điều kiện” cho Triều Tiên.
Theo chuyên gia Kim Tae-woo, lần này Tổng thống Moon Jae-in nên vạch ra một khung thỏa thuận chi tiết hơn nếu như ông không muốn đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm. Và quan trọng nhất, vấn đề không phải là hội nghị có đạt được thỏa thuận nào hay không, mà là các thỏa thuận đó sẽ được hiện thực hóa như thế nào.