Gruzia bên bờ vực khủng hoảng chính trị

Việc nhiều Bộ trưởng thân phương Tây trong thành phần chính phủ Gruzia từ chức đã làm cho Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hết sức lo ngại. Báo Le Monde số ra gần đây đã có bài phân tích về cuộc khủng hoảng mà liên minh cầm quyền tại Gruzia có tên "Giấc mơ Gruzia" đang trải qua.


Gruzia đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau việc Bộ trưởng Quốc phòng Irakli Alassania bị cách chức.


Liên minh châu Âu và Mỹ đang hết sức lo ngại về những diễn biến chính trị tại Gruzia, đất nước đã ký Hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu vào tháng 6 vừa qua. Gruzia đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sau việc Bộ trưởng Quốc phòng Irakli Alassania bị cách chức. Ông là người đứng đầu đảng "Những người Dân chủ tự do", một trong số các đảng thân phương Tây nhất trong liên minh "Giấc mơ Gruzia", liên minh cầm quyền hiện nay tại Tbilissi.


Nữ Ngoại trưởng và Bộ trưởng các vấn đề châu Âu cùng nhiều nhà ngoại giao khác cũng đã rời bỏ vị trí của mình nhằm bày tỏ tình đoàn kết với Bộ trưởng Alassania. Ngày 5/11, Bộ trưởng Alassania đã tuyên bố đảng của ông rời bỏ liên minh cầm quyền, và như vậy, về lý thuyết mà nói thì Thủ tướng Irakli Garibashvili sẽ mất đi đa số tại Quốc hội.


Bộ trưởng Alassania bị cách chức bởi vì ông đã bênh vực các quân nhân bị cáo buộc tham nhũng. Ông Alassania cho rằng việc cách chức này là "vô căn cứ" và "mang động cơ chính trị" trong khi Thủ tướng Irakli Garibashvili lại gọi ông là "kẻ phản bội" và "người phiêu lưu". Thủ tướng cũng cho rằng quyết định của mình là cần thiết nhằm tránh "chính trị hóa lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng" và "nhằm đảm bảo những điều kiện cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra độc lập".


Từ một năm nay, các cơ quan pháp lý của Gruzia đã tiến hành nhiều cuộc điều tra với các đối tượng là người thân của cựu Tổng thống Mikhail Saakashvili, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội lạm quyền và hiện đang phải sống lưu vong tại Mỹ.


Ngày 7/11, người phát ngôn bộ phận phụ trách ngoại giao của EU đã hoan nghênh sự hợp tác tốt đẹp mà EU đã có với các vị Bộ trưởng vừa rời bỏ vị trí của mình trong chính phủ đồng thời nhắc lại rằng trước đây, EU đã từng nhấn mạnh nhiều lần rằng trong nhiều trường hợp, các điều tra được tiến hành nhằm chống lại các chính khách hàng đầu tại Gruzia.


Về phần mình, nước Mỹ cũng bày tỏ sự quan ngại của mình. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho rằng khi có nhiều cuộc điều tra được tiến hành đồng thời nhằm chống lại một thành viên của chính phủ cũ hoặc người thuộc phe đối lập, điều này là hết sức đáng lo ngại, đồng thời yêu cầu tránh việc tạo cảm giác rằng "hệ thống tư pháp được sử dụng vào các mục đích chính trị".


"Trước tiên chính phủ tấn công phe đối lập. Giờ đây, chính phủ lại tấn công các thành viên thân phương Tây trong chính liên minh cầm quyền của mình, điều này là rất đáng lo ngại", một thành viên phe đối lập giấu tên chia sẻ. Sau khi bị gạt ra ngoài, Alassania đã tố cáo: "Chúng tôi phải đối mặt với sự tấn công có chủ đích chống lại Bộ Quốc phòng, vì đây là cầu nối trực tiếp nối Gruzia với NATO và EU".


Thủ tướng Gruzia đã nhanh chóng gặp gỡ các đại sứ phương Tây tại Tbilissi để thuyết phục họ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay hoàn toàn chỉ là vụ việc chính trị nội bộ, không hề ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của Gruzia. Ông cũng đã đảm bảo rằng chính phủ Gruzia tiếp tục triển khai Hiệp định liên kết với EU đồng thời cũng nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ thương mại với Nga.


Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. "Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Gruzia. Liên minh cầm quyền đã tan vỡ. Các Bộ trưởng ra đi là những người giỏi nhất. Alassania là một trong số những chính trị gia nổi bật nhất hiện nay tại Gruzia", một nhà ngoại giao lo lắng nhận xét.


Về mặt lý thuyết, sự ra đi của đảng "Những người Dân chủ tự do" có thể làm cho chính phủ mất đi đa số tại Quốc hội. Tuy nhiên, một số thành viên của đảng này vẫn có thể thể hiện sự trung thành với Thủ tướng. Chẳng hạn, nữ Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thuộc đảng "Những người Dân chủ tự do" đã không từ chức.


Dù sao đi chăng nữa, đây cũng là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà liên minh "Giấc mơ Gruzia" đang trải qua, liên minh này do tỷ phú Bidzina Ivanishvili thành lập năm 2012. Tỷ phú Bidzina Ivanishvili có tài sản ước tính 5,2 tỷ USD (4,2 tỷ euro), số tiền tương đương 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gruzia, đã giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2012 và trở thành Thủ tướng.


Sau một năm điều hành trong sự bất đồng gay gắt với Tổng thống Gruzia lúc đó là M. Saakashvili, Guiorgui Magvelashvili, một người được tỷ phú Bidzina Ivanishvili đỡ đầu đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2013 trong khi một người tâm phúc khác của ông là Irakli Garibashvili đã nối tiếp ông để trở thành Thủ tướng. Tuy đã rút ra khỏi chính trường, nhưng tỷ phú Bidzina Ivanishvili tiếp tục làm mưa làm gió tại Gruzia.


Sự can thiệp của ông lớn đến mức làm mếch lòng Tổng thống đương nhiệm, buộc ông này phải phản ứng lại với chính người đã hậu thuẫn cho mình đồng thời giải thích rằng "một đất nước cần phải được lãnh đạo bởi các thể chế vững chắc chứ không phải từ hậu trường".



Bích Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Liên minh cầm quyền Gruzia đối mặt khủng hoảng
Liên minh cầm quyền Gruzia đối mặt khủng hoảng

Liên minh cầm quyền Gruzia có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khi phải tiếp nhận cùng lúc đơn từ chức của Ngoại trưởng Gruzia Maya Panjikidze và Bộ trưởng các vấn đề hội nhập châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Aleksi Petriashvili.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN