Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara ngày 24/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Erdogan, người lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 8/2014 sau một thập kỷ nắm quyền thủ tướng, chưa có cuộc hội đàm nào với Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng trên cương vị nguyên thủ quốc gia, và một cuộc gặp như vậy cũng không được lên kế hoạch trong chuyến thăm này khi rõ ràng mối quan hệ hiện nay đang có những trục trặc. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định mục đích chính chuyến thăm này của ông Erdogan là tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân diễn ra ở Washington từ ngày 31/3-1/4, đồng thời khai trương một nhà thờ Hồi giáo lớn ở Maryland- một khẳng định mới về mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng về văn hóa và tôn giáo ra nước ngoài.
Ngày 28/3, Nhà Trắng cho biết ông Obama và ông Erdogan - người đã tới Mỹ lần đầu tiên để tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2014- không có kế hoạch tiến hành hội đàm song phương. Trước khi rời sân bay Istanbul để tới Washington, ông Erdogan cho biết sẽ gặp gỡ ông Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh song cũng ngụ ý rằng hình thức cuộc gặp vẫn còn để ngỏ. Còn thông báo của văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không đề cập tới tên ông Obama song cho biết ông Erdogan sẽ tiến hành hội đàm về cuộc chiến chống khủng bố sau khi xảy ra vụ tấn công ở Brussels cũng như các vụ tấn công ở Istanbul và Ankara trong tháng này.
Theo tờ “Hurriyet”, ông Erdogan muốn cùng với ông Obama khai trương nhà thờ mới ở Maryland - mà như Thổ Nhĩ Kỳ quảng bá là giáo đường duy nhất ở Mỹ có hai tòa tháp - song nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối ý tưởng đó.
Gia nhập NATO năm 1952 với tư cách là đồng minh của Mỹ sau khi đứng trung lập suốt thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã được coi là đối tác Hồi giáo then chốt của Mỹ ở Trung Đông. Song căng thẳng đã gia tăng liên quan tới cuộc xung đột ở Syria khi Washington thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiều hơn nữa để chống lại những kẻ thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), còn Ankara ngày càng tỏ ra thất vọng trước việc Mỹ hậu thuẫn cho các tay súng người Kurd. Ưu tiên chính của Mỹ ở Syria là đánh bại IS còn mục tiêu số một của Thổ Nhĩ Kỳ lại là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một khả năng ngày càng trở nên khó xảy ra do sự can thiệp hỗ trợ của Nga cho ông Assad. Washington đang hậu thuẫn cho các tay súng người Kurd ở Syria thuộc Đảng Liên minh Dân chủ (PYD), lực lượng mạnh nhất trong cuộc chiến chống IS. Còn Thổ Nhĩ Kỳ lại xếp PYD là nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Syria đã nổi dậy suốt cả chục năm qua để chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc văn phòng Ankara thuộc Quỹ Marshall Đức của Mỹ, nhận xét: “Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng tựu chung là bởi hai đồng minh này có những ưu tiên khác nhau liên quan tới vấn đề Syria và cụ thể hơn là do cách nhìn nhận của họ về PYD”. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang “dẫm lên chân nhau” ở Syria, và “nếu một hoặc cả hai không xem lại cách tiếp cận của mình về PYD thì quan hệ Mỹ - Thổ vẫn tiếp tục bị tổn hại bởi vấn đề này”.
Sự căng thẳng còn được bổ sung thêm bởi những quan ngại của Mỹ về quyền tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi luôn luôn không nhất trí về mọi thứ - tự do truyền thông là một trong số đó”.
Chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng biên tập Serdar Karagoz của tờ báo Sabah thân chính phủ ngày 29/3 đã viết rằng Chính quyền Obama đang khiến mối quan hệ song phương bị nguy hiểm. Ông Obama có nguy cơ “bị ghi vào lịch sử là một tổng thống thất bại phải chứng kiến sự sụp đổ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cùng với việc khai trương nhà thờ và tổ chức tiệc mời các lãnh đạo doanh nghiệp, ông Erdogan cũng sẽ gặp lãnh đạo cộng đồng Do thái Mỹ bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách hàn gắn lại mối quan hệ với Israel.