Người di cư cố tìm cách vượt sông sang Macedonia từ các trại tị nạn ở khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước khi bước vào cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) với lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/3, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố việc Ankara đề xuất các giải pháp hạn chế dòng người di cư tràn sang châu Âu là hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, chứ không phải để "mặc cả" với EU.
Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề người tị nạn không phải điều để mang ra mặc cả. Đây là vấn đề về giá trị nhân đạo và giá trị của châu Âu. Ông khẳng định EU và Thổ Nhĩ Kỳ đều có mục đích chung, đó là giúp đỡ người tị nạn Syria và bảo đảm một tươi sáng của châu Âu. Ông bày tỏ hy vọng tìm được điểm chung với EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vài tháng qua. Mặc dù EU đã cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro để cải thiện cuộc sống của những người tị nạn Syria, song Ankara cho rằng khoản tiền này là chưa đủ. Cho dù đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về giải quyết vấn đề người di cư, đặc biệt là về số phận người tị nạn Syria, nhưng vẫn còn rất nhiều bất đồng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ trương gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ những người tị nạn Syria đã đến các đảo Hy Lạp là điểm bị chỉ trích nhiều nhất. Pháp e ngại việc bảo đảm quyền của người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với quy định quốc tế.
Một vấn đề gây tranh luận sôi nổi là đòi hỏi bù đắp của Thổ Nhĩ Kỳ cho sự hợp tác của Ankara. Ngoài vấn đề tài chính, Ankara yêu cầu EU bãi bỏ chế độ thi thực đối với công dân nước này và mở lại các cuộc đàm phán nhằm kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị trì hoãn từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của EU, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đạt 10 trên số 72 tiêu chí mà EU đòi hỏi.