Quan hệ Nga-phương Tây còn nhiều thách thức

Chuyến công du thứ ba chỉ trong vòng chưa đầy một năm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga vừa qua là dấu hiệu thể hiện sự ấm lên trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc cải thiện mối quan hệ song phương hiện nay chỉ là một lựa chọn mang tính chiến lược đơn thuần, và vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại cơ bản trước khi hai bên có thể thực sự đi đến bình thường hóa quan hệ.

Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga - Mỹ đã xuống dốc đến mức tồi tệ nhất vào đầu năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Tuy nhiên, hai bên đã bắt đầu có những chuyển động hướng đến một sự hợp tác gần gũi hơn kể từ cuối năm ngoái, đặc biệt sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria. Chuyến thăm lần này của ông Kerry đến Moskva là động thái đầu tiên trong năm nay, và là lần thứ 3 trong vòng 12 tháng qua, thể hiện sự hợp tác này. Chủ đề trong các cuộc thảo luận của ông với các nhà lãnh đạo Nga rất rộng, bao gồm vấn đề hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng Ukraine, tiến trình chính trị tại Syria, những lo ngại về an ninh và mối quan hệ song phương.

Tổng thống Nga Putin (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngày 24/3 tại Kremlin.

Wan Chengcai, chuyên gia về chính sách ngoại giao Nga, nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, cả Moskva và Washington đều muốn và cần nỗ lực hướng tới một sự hòa giải lớn hơn với bên kia”. Nga sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng sẽ diễn ra vào tháng 11, vì vậy theo chuyên gia Wan Chengcai, khi cả hai quốc gia tập trung chú ý vào các vấn đề trong nước, thì điều cuối cùng mà họ cần là có được một môi trường quốc tế không quá thù địch và gay gắt.

Tuy nhiên, sự hòa giải rõ ràng không phải bức tranh toàn cảnh của mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay. Hai bên hiện vẫn bị mắc kẹt trong một tình thế nan giải khi đối mặt với các vấn đề có thể đe dọa lợi ích cốt lõi của từng quốc gia, chẳng hạn cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề nhân quyền. Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố gia hạn thêm một năm đối với hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chuyên gia Wan cho biết sự hợp tác thực dụng này hiện là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao giữa Moskva và Washington. Hai bên vốn đang tập trung nỗ lực để giải quyết các vấn đề quan trọng. Ông nói: “Sự cải thiện quan hệ gần đây giữa Moskva và Washington có thể được xem là một sự điều chỉnh mang tính chiến lược, song những rắc rối trong quan hệ song phương của họ nói đúng hơn là mang tính hệ thống, và vì vậy rất khó có thể giải quyết”.

Cùng ngày ông Kerry đặt chân đến Moskva, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cũng đang ở thăm Nga tham gia các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm lần này của ông Steinmeier có thể gửi đi một tín hiệu rằng nhiều quốc gia châu Âu cũng đang có thiện chí cải thiện quan hệ với Nga. Mong muốn xoa dịu mối quan hệ với Moskva của Liên minh châu Âu (EU) thậm chí còn lớn hơn cả Washington, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vào Nga đang gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với nhiều nước EU.

Zhang Zhengdong, chuyên gia về châu Âu và NATO, nhận định rằng cả Nga và EU đều có ý muốn bình thường hóa quan hệ song phương trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đã gây nhiều tổn thất về kinh tế cho cả hai bên. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ song phương đang vấp phải nhiều cản trở, khi mà hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng trong các vấn đề mấu chốt. Thêm vào đó, việc cải thiện quan hệ với Nga không phải là điều mà riêng EU có thể quyết định, bởi thực tế là nhiều nước châu Âu vẫn đang duy trì sự hợp tác chính trị chặt chẽ với Washington và vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ trong nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực.

TTXVN/Tin Tức
Ba kịch bản về quan hệ Nga - Mỹ
Ba kịch bản về quan hệ Nga - Mỹ

Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (Center for National Interest) của Mỹ vừa công bố báo cáo “Mỹ và Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine: Ba kịch bản”, trong đó ba nhà phân tích Mỹ viết cho tạp chí The National Interest đã nhận định về mối quan hệ giữa Moskva và Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN