Một nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, hiện đang cố vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đã dự đoán rằng thời gian đỉnh điểm số người tử vong tại Mỹ do dịch COVID-19 sẽ xảy ra trong 3 tuần tới, và sau đó “phần lớn thiệt hại đã kết thúc”. Chuyên gia này cũng cho rằng có thể chỉ cần cách ly những người có nguy cơ, và cho phép nhiều người khác trở lại làm việc.
"Đỉnh dịch trong 2-3 tuần tới"
Theo CNN, CDC ngày 25/3 xác nhận rằng, Ira Longini, Giáo sư tại Trung tâm Thống kê và Định lượng Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Florida (Mỹ), là một “đối tác được tài trợ” và đang làm việc với cơ quan này về mô hình dịch COVID-19. CNN dẫn kết quả nghiên cứu được Giáo sư Ia Longini đưa ra sau khi hợp tác với CDC cho thấy, số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ có thể lên đến đỉnh điểm trong vòng 3 tuần tới và tổn thất sẽ là nghiêm trọng nhất vào thời điểm đó.
Giáo sư Longini cho rằng, số người tử vong tại Mỹ có thể lên tới đỉnh điểm trong không đầy 1 tháng nữa, và có hai tác động: Thứ nhất, sự tăng đột ngột số người tử vong dẫn đến rủi ro vượt quá khả năng phục vụ của các hệ thống y tế vốn đang vật lộn hỗ trợ các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt. Thứ hai, điều này lại có thể giúp nước Mỹ hướng tới những lời kêu gọi – như của Tổng thống Trump – về nới lỏng hạn chế đi lại trong những tuần tới (cho phép người lao động trở lại làm việc).
Giáo sư Longini giải thích: "Tôi dự đoán số người tử vong tại Mỹ sẽ đạt đến đỉnh điểm trong 2-3 tuần tới, vì thời gian [số ca] tăng gấp đôi dường như là khoảng hai- ba ngày". Theo ông, do vậy “có thể dỡ bỏ một phần lệnh trú ẩn tại chỗ với những người ít nguy cơ hơn trong khoảng 2-3 tuần tới, vì đến lúc đó, phần lớn thiệt hại đã qua”.
Khi được hỏi về khả năng dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại trong những tuần sau đó, Giáo sư Longini nhận định: “Nếu nó được khống chế, và chúng ta tiếp tục bảo vệ những người dễ tổn thương nhất, thì việc bùng phát lại là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên cần chờ xem những gì diễn biến trong 2-3 tuần tới. Chúng ta cũng cần theo dõi sát những gì Trung Quốc làm khi họ bắt đầu nới lỏng những hạn chế ở đó”.
Những ý kiến đồng tình
Hiện tại, có ít nhất hai chuyên gia dịch tễ học khác đã công khai nhất trí với nhận định của Giáo sư Longini, tuy nhiên họ đưa ra một số kịch bản khác một chút so với Giáo sư Longini. Cả hai cho rằng, dịch bệnh đang tác động đến mỗi cộng đồng dân cư Mỹ theo một cách khác.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho rằng đỉnh dịch có thể diễn ra trong 3-6 tuần tới. “Quan điểm của tôi khá tương đồng ở chỗ tôi cũng dự đoán 3-6 tuần nữa là thời gian rất quan trọng ở Mỹ”, ông Schaffner nói và bổ sung rằng, có thể mất đến 6 tuần bởi Mỹ là một “quốc gia rất đa dạng, với một điểm nóng ở New York lúc này. Những vùng còn lại cũng đang ‘nóng lên’. Trong 3-6 tuần tới, toàn bộ các vùng này sẽ bắt đầu tăng tốc hoặc ‘đường cong dịch bệnh’ sẽ được làm xẹp xuống nhờ những nỗ lực giãn cách xã hội”.
Chuyên gia Schaffner nói thêm rằng ông hoài nghi hơn về việc Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh hạn chế đối với một bộ phận dân số. “Yêu cầu một tập hợp nhỏ tiếp tục trú ẩn tại chỗ, ở yên trong nhà, điều đó còn khó thực hiện hơn”, ông nói qua điện thoại với CNN.
Chuyên gia thứ hai đồng ý với Giáo sư Longini là Tiến sĩ Arnold Monto, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), viết qua email: “Tôi đồng ý là trong 3 tuần tới, chúng ta sẽ hình dung rõ hơn về những gì sẽ xảy ra sau đó. Dịch bệnh dường như đang tấn công các cộng đồng khác nhau vào những thời điểm khác nhau và với cường độ khác nhau, vì thế rất khó để đưa ra một cái nhìn tổng thể. Dù sao, về cơ bản tôi đồng ý. Và đó là lý do tại sao việc giãn cách xã hội lúc này lại quan trọng đến vậy”.
“Không thể dự đoán” đỉnh dịch
Trong khi đó, chuyên gia lập mô hình dịch bệnh tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London, Tiến sĩ Stefan Flasche, lại cho rằng đỉnh điểm của dịch chịu ảnh hưởng bởi hiệu quả của các biện pháp phong tỏa, và “có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, từ rất sớm cho đến không chỉ vài tháng nữa”.
“Một kịch bản là chúng ta có thể thực sự đảo ngược sự lây lan, như đã diễn ra ở Trung Quốc và Hàn Quốc, sau đó mới đến thời điểm dỡ bỏ các giải pháp cách ly”, chuyên gia Flasche nói và bổ sung: “Nhưng chúng ta có thể phải lặp lại chu kỳ này một vài lần vì sự tái nhiễm không thể tránh khỏi khi chưa có miễn dịch cộng đồng. Trong kịch bản đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều đỉnh dịch trong vòng 12 tháng tới”.
Hôm 23/3, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ khi cho biết ông muốn dỡ bỏ các biện pháp hạn chế càng nhanh càng tốt để đưa nền kinh tế Mỹ chuyển động trở lại. Ông bày tỏ niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể trải nghiệm sự phục hồi cực nhanh hình chữ "V". Tuy nhiên, một nhà kinh tế bày tỏ hoài nghi rằng cuộc phục hồi có thể diễn ra với nhịp độ nhanh và cảnh báo rằng việc cứ áp đặt, dỡ bỏ rồi lại áp đặt các hạn chế có thể gây ra thiệt hại lớn hơn.
Erin Strumpf, Giáo sư kinh tế tại Đại học McGill, nói với CNN: "Không có gì cho thấy rằng chúng ta có thể 'quay lại' với cuộc sống như trước đây. Chúng tôi đang có những hành động cụ thể để hạ thấp xác suất của một kết quả không chắc chắn". Bà Strumpf cảnh báo rằng thật khó để trả giá cho sự không chắc chắn, bởi những cái chết có thể xảy ra khi chính phủ bắt đầu nới lỏng hạn chế.