Giáo sư Nhật Bản nêu bật nguyên tắc nâng cao tự cường và đoàn kết trong ASEAN

Giáo sư Mie Oba, chuyên gia về chính trị châu Á của Đại học Kanagawa (Nhật Bản) nhận định cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra thách thức chiến lược đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong bối cảnh đó, các nước thành viên ASEAN nói riêng và ASEAN nói chung đang tìm kiếm các biện pháp để duy trì tính trung lập và tự chủ chiến lược, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nước thứ ba, trong đó có Nhật Bản.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo về quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ nhân dịp Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại Washington D.C, bà Oba nhận định ASEAN đang tìm kiếm mối quan hệ cân bằng với nhiều quốc gia để tạo ra thế cân bằng. 

Bà Oba nêu rõ: “Dường như các nước này đang đi theo nguyên tắc nâng cao tự cường và đoàn kết trong ASEAN... Điều này được thể hiện trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) mà ASEAN thông qua vào năm 2019... Cùng với đó, ASEAN đang thúc đẩy hợp tác với các nước thứ ba, trong đó có Nhật Bản”. 

Đánh giá về chính sách của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đối với ASEAN, bà Oba nhắc lại vào tháng 2/2022, Washington đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với ý định tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống và các đối tác trong khu vực.

Cũng theo bà Oba, Hoa Kỳ đang chủ trương thiết lập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết vẫn chưa rõ ASEAN và Nhật Bản sẽ hưởng lợi như thế nào từ khuôn khổ này bởi  Washington vẫn chưa công bố nội dung chi tiết. Mặc dù vậy, bà Oba cho rằng chính quyền Tổng thống Biden dường như đang thúc đẩy chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung Hoa Kỳ và không muốn mở cửa thị trường, muốn tập trung vào kiểm soát xuất khẩu. 

Trong bối cảnh đó, bà Oba nhận định: “Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với tư cách là đối tác tin cậy và bên thứ ba của ASEAN nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược của khối ASEAN và các nước thành viên ASEAN”. Bên cạnh đó, Nhật Bản và ASEAN cần tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực: khuyến khích và cải thiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì điều đó quan trọng đối với việc duy trì trật tự quốc tế; cùng nhau hưởng ứng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Hoa Kỳ; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng; hợp tác về năng lượng xanh và chuyển đổi kỹ thuật số; và thúc đẩy nâng cao năng lực an ninh hàng hải để duy trì hòa bình và ổn định trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Chuyên gia Viện ISEAS: ASEAN - Hoa Kỳ còn nhiều dư địa phát triển quan hệ kinh tế thương mại
Chuyên gia Viện ISEAS: ASEAN - Hoa Kỳ còn nhiều dư địa phát triển quan hệ kinh tế thương mại

Đánh giá về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hoa Kỳ kỷ niệm 45 năm quan hệ đối thoại hai bên, Thạc sỹ Hoàng Thị Hà, chuyên gia Viện ISEAS – Yusof Ishak Institute (có trụ sở tại Singapore), cho rằng về phương diện ngoại giao, hội nghị này tái khẳng định cam kết chính trị của đôi bên về tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động dữ dội và khó lường, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với trật tự quốc tế, kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN