Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo đôi bên trao đổi thẳng thắn về những vấn đề nổi cộm của khu vực và quốc tế, đồng thời đạt được nhận thức chung về những nội dung ưu tiên và hướng tới tương lai của chương trình nghị sự ASEAN-Hoa Kỳ
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore, chuyên gia Hoàng Thị Hà nhận xét hội nghị cho thấy cả Hoa Kỳ và các nước ASEAN đều đang chuyển dịch tự tin và vững chắc để trở lại cuộc sống bình thường, mở cửa biên giới, sống chung an toàn với COVID-19. Đó cũng là xu thế chung và tất yếu của thế giới.
Về triển vọng hợp tác giữa ASEAN và Hoa Kỳ, chuyên gia Viện ISEAS cho rằng bất chấp những biến động do đại dịch, thương mại ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm qua. Đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực và đầu tư từ Đông Nam Á vào Hoa Kỳ đều tăng so với năm 2019. Tổng đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN năm 2020 là 35 tỷ USD, gấp 5 lần so với Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thương mại đầu tư của Hoa Kỳ ở khu vực. Trong 2 năm đại dịch, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ chín của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy quan hệ kinh tế thương mại ASEAN-Hoa Kỳ vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Thạc sỹ Hoàng Thị Hà nhấn mạnh cơ hội mở ra cho hợp tác kinh tế đôi bên từ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ và một số đối tác quan trọng như Nhật Bản đang nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong các ngành công nghệ chiến lược (như chip bán dẫn, xe điện, năng lượng sạch, dược phẩm và cung ứng y tế). Đây là cơ hội để các nước trong khu vực có thể đón đầu làn sóng đầu tư chất lượng từ các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và Nhật Bản vào các ngành công nghệ mũi nhọn này.
Đánh giá về vai trò của hội nghị cấp cao lần này trong định hướng chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, Thạc sỹ Hoàng Thị Hà nhấn mạnh ngay từ năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có những thông điệp và tuyên bố chính sách về tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và về vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Theo bà, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tận dụng hội nghị cấp cao đặc biệt với ASEAN để tái khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị của Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á, vốn là một hợp phần quan trọng trong chiến lược của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có thể thông qua đề nghị nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo bà Hoàng Thị Hà, các nước ASEAN kỳ vọng Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện bền vững và đóng góp có tính xây dựng vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác kinh tế để phục hồi sau đại dịch hiện là ưu tiên hàng đầu đối với các nước ASEAN. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng điểm yếu lớn nhất trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là việc nước này vắng mặt trong các hiệp định thương mại tự do đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).