Ngày 18/2, cuộc họp Hội đồng đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) với sự tham gia của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cùng bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên diễn ra tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về tình hình hiện tại và xem xét các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế, nhất là về tình hình Ukraine, Syria, Venezuela và vùng Sừng châu Phi.
Diễn ra trong bối cảnh EU vừa trải qua một năm nhiều biến động, làm gia tăng sự hoài nghi về những giá trị là nền tảng của liên minh, hội nghị lần này được xem như cơ hội để EU chứng tỏ sức mạnh và vai trò của mình. EU từ lâu đã thể hiện tham vọng khẳng định mình không chỉ là tổ chức khu vực thành công mà còn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình trạng phân cực và chia rẽ lan rộng trong khu vực EU khiến những thách thức nội tại của khối ngày càng trầm trọng. Vấn đề an ninh hay chủ nghĩa dân túy cực đoan đã gây không ít cuộc khủng hoảng và bất ổn trong nội bộ EU, bản thân tình trạng không rõ ràng trong "cuộc chia tay" giữa EU và Anh cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Không chỉ tính thống nhất của EU bị hoài nghi, sức mạnh toàn cầu của khối liên minh này cũng đã bị xói mòn nghiêm trọng.
Việc chương trình hội nghị Ngoại trưởng EU lần này bao trùm rất nhiều vấn đề nóng của thế giới thể hiện EU đang nỗ lực "tìm lại" tiếng nói trong giải quyết các điểm nóng xung đột. Tuy nhiên, mong muốn của EU không phải dễ dàng thành hiện thực.
Tình hình Ukraine sẽ là chủ đề trọng tâm của hội nghị này. EU và Ukraine đã ký thỏa thuận liên kết cả về chính trị cũng như quan hệ kinh tế nhằm khuyến khích Kiev xích lại gần Brussels hơn. Trong bối cảnh xung đột tại miền Đông Ukraine chưa được giải quyết và tình hình kinh tế quốc gia này đang rất khó khăn, EU quyết tâm tăng cường quan hệ với Kiev thông qua sự hậu thuẫn cả về chính trị, tài chính và kinh tế cho đất nước.
Từ năm 2014, EU đã triển khai một chương trình hỗ trợ lớn cho Ukraine với cam kết 11 tỉ euro cho giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến tình hình tại Ukraine, trong khi cũng tham gia tiến trình hòa bình Minsk nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước này.
Năm nay, EU đặt mục tiêu can dự tích cực hơn trong vấn đề Ukraine, khi nước này sắp tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 và bầu quốc hội vào tháng 10 tới. Sau 5 năm cầm quyền của Tổng thống Petro Poroshenko, người có quan điểm đưa Ukraine gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời dựng "tường thành" ngăn cách với nước "láng giềng gần" là Nga, tiến trình hòa bình tại miền Đông Ukraine vẫn ở "điểm chết". Kế hoạch đưa Ukraine xích lại gần EU vẫn còn gặp nhiều trắc trở, trong khi quan hệ giữa EU với Nga một phần căng thẳng do mâu thuẫn liên quan vấn đề Ukraina.
Thậm chí chủ đề này đã gây chia rẽ trong nội bộ EU với nhiều ý kiến cảnh báo EU đang "mắc kẹt" trong xung đột Nga-Ukraine. Nhiều nhà hoạch định chính sách của châu Âu có vẻ không mặn mà lắm với các nỗ lực hỗ trợ của EU đối với Ukraine, cho rằng đây chỉ là một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, không có ý nghĩa thực sự đối với EU, nhưng trên thực tế đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho liên minh này, nhất là thiệt hại về kinh tế do các lệnh cấm vận chống Moskva.
Tình hình ở Syria, đặc biệt là những diễn biến mới nhất trên địa bàn cũng được các bộ trưởng đưa ra thảo luận trong bối cảnh Hội nghị tài trợ cho Syria và khu vực sẽ được tổ chức tại Brussels vào ngày 12-14/3. EU sẽ tập trung vào cách thức hỗ trợ Đặc phái viên mới của Liên hợp quốc tại Syria, Geir Pedersen, người vừa bắt đầu công việc ngày 7/1, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đàm phán lâu dài, bền vững cho cuộc xung đột Syria.
Quan điểm của EU là ủng hộ đầy đủ và liên tục những nỗ lực của đặc phái viên LHQ cho tiến trình hòa bình tại Syria, được LHQ bảo trợ và thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ. Các bộ trưởng ngoại giao cũng sẽ thảo luận việc chuẩn bị cho hội nghị Brussels lần thứ ba về “Hỗ trợ tương lai cho Syria và khu vực” sẽ diễn ra từ 12-14/3. Mục tiêu bao trùm của hội nghị là hỗ trợ người dân Syria cũng như tranh thủ huy động cộng đồng quốc tế để tìm một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại đây.
Thể hiện vai trò của EU trong vấn đề hỗ trợ khu vực Sừng châu Phi cũng là chủ đề chính của cuộc họp lần này. Đại diện cấp cao EU Federica Mogherini sẽ cung cấp thông tin về tình hình khu vực Sừng châu Phi sau chuyến thăm của bà tới khu vực này vào các ngày 9-11/2.
Theo bà Mogherini, các nhà lãnh đạo đang vượt qua những căng thẳng cũ và mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các quốc gia trong khu vực, để xây dựng hòa bình và thịnh vượng ở vùng Sừng châu Phi. Ngoài ra, các diễn biến mới nhất ở Venezuela và tiến triển của tình hình sau cuộc họp đầu tiên của Nhóm liên lạc quốc tế tại Montevideo (Urugoay) vào ngày 7/2, trong đó có một loạt các nước EU, cũng được đặt lên bàn Hội đồng đối ngoại lần này.
Với chủ đề thảo luận tập trung vào nhiều chủ đề thời sự quan trọng trên thế giới, EU đang muốn chứng tỏ vai trò hàng đầu của mình. Tuy nhiên, với các vấn đề nội tại còn ngổn ngang, tham vọng đóng một vai trò thực sự trên trường quốc tế cũng là một thách thức mà EU phải đối mặt.