Động thái này được cho là sẽ giảm khả năng áp dụng mức thuế chung của EU đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn.
Những năm qua, những nước có dân số thấp trong EU đã chặn các nỗ lực nhằm thu nhỏ các lỗ hổng, vốn tạo điều kiện cho hành vi trốn thuế và thậm chí là rửa tiền trong khối. Nhiều quốc gia trong số này cũng đã bảo lưu quyền tự thiết lập các đạo luật về thuế cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài thông qua chính sách thuế nhẹ tay.
Để chấm dứt tình trạng này, tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất dỡ bỏ dần quyền phủ quyết của các quốc gia thành viên đối với các luật thuế. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), Luxembourg, Malta, Litva, Hà Lan và Thụy Điển đã kêu gọi giữ nguyên quyền phủ quyết. Chỉ riêng sự phản đối của một trong những nước này đã đủ để chặn kế hoạch cải cách của EU.
Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna tin rằng việc giữ nguyên quy định về sự đồng thuận của tất cả các nước là "vô cùng quan trọng". Nhiều năm qua, quốc gia nhỏ bé này đã chặn quy định chống trốn thuế của EU, trong đó đòi hỏi trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng của công dân nước ngoài. Luxembourg cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc áp dụng thuế cơ sở chung cho EU, trong đó hạn chế quyền các nước trong việc đề ra những chính sách có lợi cho các tập đoàn lớn.
Trong khi đó, nhóm các nước nhỏ khác, dẫn đầu là Ireland, đã chặn mức thuế chung về doanh thu kỹ thuật số. Điều này đã khiến một số nước, trong đó có Pháp, Italy và Tây Ban Nha thông qua các khoản thuế tương tự ở cấp quốc gia, bất chấp nguy cơ làm suy yếu thị trường EU.
Khi đề xuất đánh thuế kỹ thuật số trên toàn bộ EU vào năm 2018, EC cho rằng việc này đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sự cạnh tranh công bằng trong khối và chấm dứt hành vi cho phép các công ty đa quốc gia như Google, Facebook hay Amazon "né" thuế thông qua việc chuyển lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp như Luxembourg hoặc Ireland.
Đức và Pháp, hai thành viên lớn nhất trong EU, đã ủng hộ kế hoạch của EC về việc cho phép thông qua các khoản thuế quan nếu được đa số tán đồng. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, cải cách này đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình đưa ra quyết định trong EU.