EU thống nhất mua đạn pháo chung cho Ukraine, nhưng liệu có thành công?

Dù đã thống nhất về việc mua đạn pháo chung cho Ukraine, nhưng EU có thể không hoàn thành nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra bước đột phá mới với một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cùng nhau mua sắm đạn dược cần thiết khẩn cấp cho Ukraine và thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu cho một kỷ nguyên mới.

Nhưng đó cũng là một thách thức đối với một tổ chức được thành lập như một liên minh vì hòa bình và kinh tế mà không có lực lượng quân sự chính.

Với việc Ukraine tiêu tốn vũ khí nhanh hơn năng lực sản xuất của các nhà máy vũ khí phương Tây, việc mở rộng công suất vốn bị thu hẹp trong 30 năm hiện là ưu tiên hàng đầu của EU. Do đó, EU đã đồng ý chi 1 tỷ euro để chuyển thêm vũ khí hiện có từ kho dự trữ của các thành viên cho Kiev, và 1 tỷ euro khác để cùng đặt hàng các loại đạn pháo tiêu chuẩn NATO 155 mm được sử dụng thường xuyên nhất từ ​​ngành công nghiệp châu Âu. 

18 quốc gia, bao gồm cả Na Uy không thuộc EU, đã đồng ý thiết lập đơn đặt hàng chung thông qua EU, theo kế hoạch gửi 1 triệu viên đạn tới Ukraine trong năm nay. Các nhà lãnh đạo EU chuẩn bị ký kết kế hoạch dựa trên hoạt động mua vaccine chung của khối trong đại dịch COVID-19.

Đức - nơi có một trong ba nhà sản xuất đạn dược lớn nhất châu Âu là Rheinmetall - đã tham gia kế hoạch mở rộng công nghiệp và mua sắm chung sau một thời gian do dự, nhưng nước này vẫn đẩy nhanh tiến độ mua vũ khí cấp quốc gia và mời các đối tác châu Âu tham gia khuôn khổ đấu thầu riêng.

Trong khi ông Thierry Breton, Ủy viên châu Âu về công nghiệp quốc phòng, đã đi thăm các nhà sản xuất đạn dược và chất nổ ở Trung Âu vào tuần trước và nói về việc đặt EU trong bối cảnh “kinh tế chiến tranh”, nhưng ông thừa nhận rằng họ có thể không đáp ứng được nhu cầu của Ukraine.

“Việc ký kết các hợp đồng lớn, được hợp nhất ở cấp độ châu Âu, sẽ gửi tín hiệu thích hợp để ngành công nghiệp hành động. Nhưng đây không phải là lời đảm bảo về việc giao hàng đúng hạn”, Ủy viên Mairead McGuinness nói trước Nghị viện châu Âu.

Để giải quyết mối lo ngại này, "nhóm đặc nhiệm" mua sắm chung quốc phòng mới của EU đã vạch ra năng lực sản xuất trong khối 27 quốc gia, xác định 15 nhà sản xuất ở 11 quốc gia sản xuất các loại đạn dược được Ukraine sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chi tiết.

Một thách thức ban đầu sẽ là cố gắng hài hòa các yêu cầu về kỹ thuật quân sự để đáp ứng các đơn đặt hàng đạn pháo theo các loại pháo và xe tăng được cung cấp cho Ukraine, vì không phải tất cả các loại đạn 155 mm đều giống nhau. Sau đó, cần một chuỗi cung ứng phức tạp để điều hướng, vốn đã bị căng thẳng bởi nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu thô. Nhóm đặc nhiệm đã xác định các nút thắt chính sẽ phải được khắc phục, đặc biệt là trong việc tìm nguồn cung ứng vật liệu nổ.

Ngoài ra còn có một thực tế là BAE Systems - một trong những nhà sản xuất đạn dược hàng đầu khác của châu Âu, cùng với Nexter của Pháp - đã bị loại khỏi chương trình của EU vì Brexit. Vì vậy, mặc dù họ có hợp đồng với chính phủ Anh để tăng cường sản xuất nhằm cung cấp cho Ukraine, nhưng họ sẽ không được hưởng lợi từ các đơn đặt hàng chung của EU.

Theo kế hoạch của khối, các đơn đặt hàng cấp quốc gia sẽ được Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) hoàn trả một phần. Đây là một quỹ ngoài ngân sách được cấp tới 5,9 tỷ euro cho đến năm 2027 để tài trợ một phần cho việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Những có lẽ tranh chấp nhạy cảm nhất về mặt chính trị là ai sẽ quản lý chung: EU hay một quốc gia dẫn đầu?

Với chiến lược do ông Breton và đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Josep Borrell đưa ra, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) sẽ đóng vai trò là nơi thanh toán bù trừ và ký kết hợp đồng cho dự án. Nhưng những người chỉ trích nói rằng cơ quan liên chính phủ nhỏ này có rất ít chuyên môn nội bộ trong việc quản lý các hợp đồng phức tạp như vậy. Một quan chức Đức giấu tên cho biết EDA là một tổ chức tư vấn hơn là một cơ quan thu mua.

Phải thừa nhận rằng những lời chỉ trích đến từ Berlin là có lý do. Việc mua sắm vũ khí của chính Đức diễn ra chậm chạp đến mức Eva Högl, Ủy viên về lực lượng vũ trang tại Quốc hội Đức, đã báo cáo vào tuần trước rằng "chưa có một xu nào trong quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 100 tỷ euro do Thủ tướng Đức Scholz công bố một năm trước được chi tiêu".

Giám đốc điều hành EDA Jiří Šedivý cũng đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng việc quản lý một đợt mua hàng chung lớn như vậy thực sự sẽ là một vấn đề mới cho cơ quan có hơn 170 nhân viên vào năm 2022 này. Nhưng ông Šedivý cũng cho biết vai trò điều phối của EDA sẽ rất quan trọng.

“Đó là một lĩnh vực mới, nhưng chúng tôi có khung pháp lý và trong số các vai trò được xác định của cơ quan là khả năng hoạt động như một cơ quan mua lại. EDA cũng đã có một số kinh nghiệm trong việc mua sắm đạn dược cho vũ khí chống tăng Carl Gustaf cho năm quốc gia, cũng như hệ thống thông tin liên lạc và hình ảnh vệ tinh cho các nước thành viên, nhưng đây không phải là hoạt động chính của chúng tôi”, ông Šedivý nói.

Ông Šedivý lưu ý rằng sẽ có những lộ trình song song, với một số quốc gia mua đạn dược thông qua EDA và những quốc gia khác tham gia hợp đồng mua sắm theo một quốc gia dẫn đầu, trong khi một số thực hiện cả hai. Tuy nhiên, cách tiếp cận kép đó có nguy cơ làm mất đi hiệu quả kinh tế theo quy mô và có thể dẫn đến một cuộc cạnh tranh giành các nguồn lực khan hiếm giữa EU và thành viên lớn nhất trong khối.

Chú thích ảnh
Các công ty quốc phòng châu Âu cần có thỏa thuận dài hạn để tăng cường năng lực sản xuất đạn dược. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang phàn nàn rằng các công ty không thấy các thỏa thuận dài hạn thực sự được ký kết để cho phép họ mở rộng sản xuất bất chấp những thông báo của các chính trị gia. Sổ đặt hàng đạn dược của Rheinmetall đã tăng 40% vào năm 2022, nhưng họ cho biết việc sản xuất hiện chỉ hoạt động ở 2/3 công suất trong khi chờ các hợp đồng mới của chính phủ.

“Nếu không có đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ không sản xuất bất cứ thứ gì. Thiếu hụt đạn dược sẽ không phải là lỗi của ngành công nghiệp quốc phòng”, CEO Armin Papperger của Rheinmetall nói với Bloomberg khi công ty công bố lợi nhuận kỷ lục vào tuần trước.

Ông Papperger cho biết những nhà sản xuất sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine trừ khi các chính phủ tăng chi tiêu để tăng gấp đôi năng lực sản xuất của họ. Tuy nhiên, đề xuất về kế hoạch đầu tư 7 năm để mở rộng sản xuất đạn dược trong trung và dài hạn là điểm yếu nhất của kế hoạch, vì nó phụ thuộc vào nguồn tài trợ trong tương lai từ ngân sách chung của EU hoặc EPF, vốn "không được đảm bảo và có thể phải đàm phán kéo dài".

Jan Pie, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Hàng không châu Âu, cơ quan đã cố vấn cho Ủy ban châu Âu, cũng cho rằng EU sẽ phải vượt qua nhiều thách thức và cho đến nay, thành tích hợp tác vũ khí của châu Âu rất kém. 

Ông Pie nêu rõ: “Bất kể họ yêu cầu ngành công nghiệp tăng cường sản xuất như thế nào, cho dù đó là các quốc gia thành viên trong một hiệp định song phương, ba bên, đa phương, cho dù có đi kèm với các hợp đồng mua sắm lớn hơn, thì trước tiên và quan trọng nhất, chính các quốc gia thành viên là bên kiểm soát".

"Họ không thể đổ tiền vào hệ thống và mong đợi sản xuất sẽ tăng lên theo một cách nào đó. Có một thách thức lớn về mặt hành chính. Các công ty sẽ cần chắc chắn rằng các chính phủ sẽ đưa ra cam kết trong nhiều năm về việc tăng lượng mua hàng để có thể mở rộng năng lực sản xuất", ông Pie kết luận.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico)
Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus
Tổng thống Putin: Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã đạt thỏa thuận với Belarus về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của quốc gia láng giềng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN