Đường sắt cao tốc Malaysia-Singapore 'thay đổi cuộc chơi'?

Kể từ khi giành độc lập vào năm 1965, Singapore đã tìm cách trở thành “một trung tâm của mọi thứ” để phát triển kinh tế. Có lẽ ở thời điểm này là phù hợp để Singapore xem Malaysia là đối tác hội nhập của họ, như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu tại Kuala Lumpur hồi tháng trước: “Nếu Malaysia phát triển, cả Singapore và Malaysia sẽ thịnh vượng”. 

Tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore dự kiến hoàn tất sau năm 2020.


Tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore không chỉ là một dự án hạ tầng, nó phải là hình mẫu điển hình cho việc biến ASEAN thành một khu vực tự do di chuyển của lao động lành nghề và người dân.

Dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á này đã được bật đèn xanh cách đây hai năm. Một khi đường cao tốc nói trên được đưa vào vận hành, thời gian di chuyển giữa thủ đô hai nước sẽ rút ngắn xuống còn 90 phút, nhanh hơn cả các tuyến bay giá rẻ. Dự án này dự kiến hoàn tất sau năm 2020, trong đó quá trình đấu thầu sẽ kéo dài một năm, quá trình thiết kế mất thêm một năm và quá trình xây dựng là 5 năm. Các chuyên gia cho rằng dự án đường sắt cao tốc này phần lớn sẽ nằm trên cao ở Malaysia và có thể được xây ngầm ở Singapore.

Quá trình đấu thầu cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị khi các tập đoàn của Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào dự án này. Nhật Bản muốn lần đầu tiên xuất khẩu thành công hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen đầy đủ, sau khi tham gia một phần trong dự án đường sắt cao tốc ở Đài Loan (Trung Quốc). Điểm mạnh của Nhật Bản là sự an toàn, được nước này nhấn mạnh đến hồ sơ “không vụ tai nạn chết người nào” trong hơn nửa thế kỷ qua. Tokyo cũng nhấn mạnh thêm rằng hoạt động vận hành cần thường xuyên và đúng giờ để tối đa hóa sự thuận lợi của một dự án đường sắt cao tốc.

Theo nguồn tin thân cận, Nhật Bản hiện không sẵn sàng đưa ra nhiều sự nhượng bộ về tài chính như Trung Quốc. Có thông tin rằng Trung Quốc sẽ xây dựng tuyến đường sắt này với chi phí chỉ bằng một nửa mà thời gian hoàn thiện còn nhanh hơn nhiều. Hiện Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường kín tiếng của mình sau lần đấu thầu thất bại ở một dự án của Mexico. Hồi tháng 11/2014, Tổng thống Mexico, Enrique Pena Nieto đã bất ngờ hủy gói thầu xây đường sắt cao tốc mà một công ty Trung Quốc đã thắng để tránh “mọi nghi ngại liên quan đến tính hợp pháp và minh bạch”.
Tuyến đường sắt Kuala Lumpur-Singapore chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc, dự kiến sẽ kết nối từ Côn Minh đến Singapore qua Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Ngân sách dành cho dự án đường sắt cao tốc sẽ là rào cản lớn nhất. Hiện đang có rất ít thông tin về dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore sẽ được cấp vốn như thế nào. Giới quan sát đang trông đợi vào hình thức đối tác công-tư (PPP), nhằm giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ và tăng cường tính hiệu quả với sự tham gia của khu vực công-tư.

Với dân số 7,1 triệu người ở Kuala Lumpur và Singapore cộng lại, tương đương 40% dân số các thành phố dọc tuyến đường sắt cao tốc Đài Loan, Ủy ban vận tải công trên bộ Malaysia ước tính sẽ có 66.000 khách mỗi ngày (24 triệu người/năm) có thể là hợp lý song cũng cần phải đánh giá thận trọng. Hầu hết các ga quá cảnh ở Kuala Lumpur và Singapore, dựa trên kế hoạch tổng thể hiện tại, đều nằm cách xa trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, bến cuối ở Kuala Lumpur không nằm ở KL Sentral và ở đầu Singapore là Jurong East, không phải trung tâm.

Dự án siêu hạ tầng xuyên biên giới như tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore sẽ chỉ thành công nếu hội nhập sâu ở hai nước. Vì thế, nó phải phục vụ người dân và cần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, đặc biệt khi người đóng thuế ngày càng trở nên "nhạy cảm" với vấn đề chi phí. Một nút thắt tiềm tàng khác là rủi ro chính trị, chẳng hạn như cảng hàng không Manila đã dừng khai trương Bến 3 nhiều lần do chính phủ vướng vào các cuộc chiến pháp lý, tình trạng quan liêu và các vụ trọng tài phân xử.



Việt Hải (Theo Straits Times)
Nhiều tàu chiến hiện đại quy tụ tại căn cứ Hải quân Singapore
Nhiều tàu chiến hiện đại quy tụ tại căn cứ Hải quân Singapore

Triển lãm và hội nghị quốc phòng trên biển quốc tế IMDEX 2015 diễn ra tại Singapore có 20 tàu chiến đến từ 12 quốc gia tham gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN