Vụ ám sát "Thủ tướng" tự xưng Alexander Zakharchenko, 42 tuổi, của vùng Donetsk, tại quán cà phê hôm 31/8 đã khiến mọi nỗ lực hòa bình ở Đông Ukraine trong những năm qua đang có nguy cơ đổ vỡ. Đại diện nước "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng cho biết, vụ nổ cũng đã làm cho ông Alexander Timofeyev, "Phó thủ tướng" tự xưng bị thương.
Điện Kremlin vốn hậu thuẫn cho thủ lĩnh phe ly khai vừa bị ám sát đã quy trách nhiệm cho chính phủ Ukraine. Trong khi đó, Kiev bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ ám sát, thậm chí còn chỉ ra rằng đây là một cuộc thanh trừng nội bộ phiến quân hoặc do chính đặc nhiệm Nga thực hiện để đổ vấy trách nhiệm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không ngần ngại lên án vụ nổ ám sát ông Zakharchenko là hành động nhằm gây bất ổn miền Đông Ukraine và cần trừng trị những kẻ đứng sau. "Tôi mong rằng những kẻ tổ chức và thực hiện tội ác này sẽ bị trừng trị thích đáng", ông Putin viết trong bức điện chia buồn được Điện Kremlin công bố.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng vụ đánh bom là sự khiêu khích của chính quyền Kiev nhăm ngăn chặn Thỏa thuận hòa bình Minsk được ký từ năm 2015. Thủ lĩnh phe ly khai vùng Donetsk vừa bị ám sát cũng chính là người đã tham gia cuộc thương lượng ký kết thỏa thuận hòa bình Minsk cùng với với ông Igor Plotnitsky, thủ lĩnh "Cộng hòa Lugansk" tự xưng, đã bị lật đổ vào cuối năm 2017.
Sau vụ ám sát, vùng Donetsk đã bị phong tỏa, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Ủy ban Điều tra Nga cũng cho biết họ coi vụ sát hại này là "hành động khủng bố quốc tế".
Mối lo đổ vỡ Thỏa thuận Minsk
Zakharchenko, vốn là một thợ điện làm việc ở mỏ than, gia nhập lực lượng ly khai ủng hộ Nga trong cuộc nổi dậy vũ trang tại Donetsk đầu năm 2014. Ông trở thành người lãnh đạo "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng vào tháng 11/2014. Zakharchenko từng là mục tiêu của nhiều âm mưu ám sát trước đây, trong đó có một vụ nổ vào năm 2016 mà ông cáo buộc là do Kiev chủ mưu. Trong tuyên bố ngày 31/8, Tổng thống Nga Putin đã gọi Zakharchenko là "nhà lãnh đạo đích thực của nhân dân, một người dũng cảm, quyết đoán và yêu nước".
Sau cái chết của thủ lĩnh Donetsk, lực lượng ly khai ở Donbass đã đe dọa sẽ trả thù, dấy lên nguy cơ thỏa thuận ngừng bắn mong manh được quốc tế bảo trợ, có hiệu lực từ năm 2015 sẽ đổ vỡ hoàn toàn, đẩy Donbass trở lại thời kỳ xung đột đẫm máu.
Thỏa thuận hòa bình Minsk được lãnh đạo bốn nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp ký năm 2015 tại thủ đô Belarus đã thiết lập được một tình trạng ngừng bắn trên quy mô lớn ở Donbass, mặc dù đây đó vẫn có những sự cố nổ súng ở khu vực tiền tuyến giữa phe ly khai và lực lượng chính phủ Ukraine.
Trước khi Thỏa thuận Minsk có hiệu lực, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine từ tháng 4/2014 đã làm hàng ngàn người thiệt mạng. Gần đây Đức và Pháp thường đứng ra khôi phục lại tiến trình hòa bình ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, ngay sau vụ nổ khiến thủ lĩnh Donetsk thiệt mạng, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã loại bỏ bất cứ tiến triển nào trên bàn đàm phán hòa bình cho đông Ukraine sau vụ ám sát nói trên.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng cái chết của thủ lĩnh Zakharchenko đang khiến căng thẳng giữa chính quyền Ukraine và phe ly khai gia tăng. Trong khi đó chiến sự đang nóng trở lại tại những khu vực tranh chấp ở miền Đông Ukraine.
Mỹ cấp thêm vũ khí sát thương cho Kiev
Cùng ngày xảy ra vụ ám sát, trả lời phỏng vấn báo Guardian, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine, Kurt Volker cho biết Washington sẽ cung cấp thêm vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine, nhằm giúp quốc gia Đông Âu này củng cố lực lượng hải quân và không quân.
Theo ông Volker, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã "hoàn toàn" sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí sát thương cho Ukraine. Quan chức này nêu rõ: "Họ (Ukraine) đang mất dần binh sĩ mỗi tuần. Và trong bối cảnh đó, việc Ukraine củng cố quân đội, tăng cường phòng thủ là điều hiển nhiên, điều dễ hiểu là họ tìm kiếm sự hỗ trợ, và điều đương nhiên là các nước khác nên giúp đỡ họ. Dĩ nhiên, họ cần hỗ trợ các loại vũ khí sát thương bởi họ đang bị tấn công".
Hồi đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách quốc phòng, trong đó viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Ukraine vào năm 2019. Trước đây, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật này, song bị chính quyền dưới thời Tổng thống Barack Obama phủ quyết do lo ngại sự leo thang căng thẳng từ Nga.
Hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã dỡ bỏ hạn chế nói trên và phê chuẩn việc chuyển giao vũ khí sát thương cho Kiev.
Trong khi đó, Nga luôn cảnh báo Mỹ "đang vượt qua giới hạn" khi cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, cho rằng Washington đang gần như đẩy Kiev vào "cuộc đổ máu mới".
Moskva cũng cảnh báo Washington về hậu quả của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng số vũ khí này sẽ khiêu khích "sự hung hăng" của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, vốn đang tìm cách phát động một cuộc đổ máu mới tại khu vực miền Đông chìm trong xung đột tại quốc gia Đông Âu này.