Ông Saeid Malek, người bảo vệ già với khuôn mặt khắc khổ, lặng lẽ đẩy cánh cổng sắt nơi khu nhà chúng tôi ở vào buổi sáng ấy. Cánh cửa sắt sáng nay dường như nặng hơn dưới bàn tay gân guốc và có phần mệt mỏi của ông Malek. Có lẽ đã lâu lắm rồi ông Malek mới lại có cảm giác về sự yên tĩnh của đêm giới nghiêm khi phố xá vắng bóng người và xe cộ, khiến ông hồi tưởng về những ngày tháng khốn khó thời chính biến, loạn lạc với những đêm vắng như thế.
Malek cho biết đêm qua ông không tài nào chợp mắt nổi dù được nghỉ giữa ca trực. Qua khung cửa sổ, ông lặng lẽ ngồi nhìn ra phố, một con phố sầm uất nhất của thành phố Sheikh Zayed, tỉnh Giza với nhiều hàng quán và câu lạc bộ luôn tấp nập đông người qua lại đến tận đêm khuya, thì nay bỗng chốc hoang vắng như màn đêm sa mạc.
Có lẽ ông Malek là người cảm nhận rõ nhất về những biến chuyển của thời cuộc, đặc biệt khi đã chứng kiến nhiều biến cố trong gần 60 năm cuộc đời, đủ để hiểu thế nào là “thiên tai, địch họa”. Malek chia sẻ dù ít học, song ông cũng hiểu được tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như sự cần thiết phải áp đặt lệnh giới nghiêm, bởi nhà chức trách Ai Cập ở vào tình thế buộc phải áp dụng, và đây cũng là việc “cực chẳng đã”. Theo ông, chỉ có cách này mới có thể hạn chế người dân ra đường, khiến nhiều người thay đổi thói quen la cà nơi quán xá và hút shisa mỗi khi chiều xuống, đêm về.
Trong lúc trò chuyện, người đàn ông này lại hướng mắt nhìn vào nơi xa xăm, vô định với vẻ mặt đăm chiêu và không giấu nổi sự lo lắng bởi hằng ngày ông phải tiếp xúc với rất nhiều người trong khi đồ bảo hộ thì đơn sơ, thiếu thốn. Ông sợ bị mắc bệnh, khi cũng đã ngấp nghé tuổi nghỉ hưu và bản thân lại bị bệnh tiểu đường, một loại bệnh lý nền dễ bị ảnh hưởng của virus. Ông sợ bị mất việc nếu chẳng may mắc bệnh, khi ấy lấy gì trang trải cho cuộc sống hằng ngày với đồng lương ít ỏi thời giá cả leo thang, rồi tiền đâu để gửi về quê nhà ở Dakahlia, địa phương cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và đã có người tử vong do căn bệnh này.
Có lẽ, không chỉ ông Malek, mà rất nhiều thành phần xã hội ở Ai Cập đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hay nói đúng hơn dịch bệnh đã không chừa một ai. Có điều, tầng lớp lao động nghèo và những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Có thể thấy dịch bệnh bùng phát đã tác động tới mọi mặt, từ đời sống xã hội cho tới kinh tế của đất nước Bắc Phi này. Đối với Ai Cập, sau bao nỗ lực và cố gắng cải cách nhằm phục hồi nền kinh tế, vực dậy ngành du lịch và đang trên đà tăng trưởng trở lại, nay bỗng chốc dường như mọi thành quả đang “tan thành mây khói”.
Hàng triệu lao động của ngành “công nghiệp không khói” có nguy cơ mất việc hay bị ảnh hưởng đến thu nhập vì không thể tiếp tục đón tiếp du khách. Theo Bộ trưởng Du lịch và Cổ vật Ai Cập Khaled El-Anany, ngành du lịch của quốc gia Bắc Phi này có thể thiệt hại tới 1 tỷ USD/tháng sau quyết định đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Ai Cập, song đảm bảo sức khỏe của người dân hiện là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là mục tiêu chủ chốt của Chính phủ Ai Cập khi triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ nhằm kìm hãm sự lây lan của đại dịch, dù biết những hạn chế này sẽ để lại hậu quả kinh tế.
Ngoài lệnh giới nghiêm có hiệu lực kể từ ngày 25/3, quốc gia Bắc Phi cũng đã tạm dừng hoạt động giao thông đường không, đóng cửa các trường phổ thông cũng như đại học, đóng cửa các trung tâm mua sắm và các quán cafe từ 19h hằng ngày. Bên cạnh đó, nhà chức trách Ai Cập còn quyết định cấm tụ tập đông người, đóng cửa các thánh đường Hồi giáo và các nhà thờ thuộc Giáo hội Cơ đốc Ai Cập, đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các địa điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế như các bảo tàng và cả Kim tự tháp Giza nổi tiếng thế giới.
Đáng chú ý, nhà chức trách nước này cũng đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông tới cộng đồng với những khuyến cáo, chỉ dẫn y tế, và đặc biệt là kêu gọi người dân ở trong nhà và thực hiện “dãn cách xã hội” để phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng để thay đổi những thói quen, tập quán sinh hoạt hằng ngày, đối với một số người là điều không hề dễ dàng, dù rằng đa phần đã có ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh. Mohamed Fattoh, một nhân viên nhà nước 42 tuổi, cho biết anh đang cố gắng thực hiện đầy đủ theo những chỉ dẫn về vệ sinh dịch tễ và “dãn cách xã hội” để đảm bảo an toàn cho mình và những người thân trong gia đình.
Theo anh, “hàng tỷ người trên thế giới đang được kêu gọi ở nhà để phòng dịch và nhiều người làm được điều đó, không lẽ tôi không thể?”. Fattoh chia sẻ: “Thay đổi thói quen là điều rất khó khăn nhưng tôi buộc phải thực hiện. Gia đình tôi và tôi đã không rời nhà 10 ngày nay ngoại trừ những lúc tôi phải ra siêu thị gần nhà mua đồ ăn và một số thứ cần thiết cho lũ trẻ”.
Theo anh Fattoh, nhà chức trách đã quyết định tạm dừng hoạt động nhiều công sở, một số nơi chỉ duy trì số lượng nhân sự tối thiểu trong khi nhiều người ở nhà và vẫn được hưởng lương trong thời gian 2 tuần cao điểm chống dịch. Đây là một trong những biện pháp đang được áp dụng để hạn chế dịch bệnh bùng phát. Còn chị Mervat Hassan, nhân viên văn phòng, chia sẻ rằng chị đã cố gắng thực hiện theo những hướng dẫn về vệ sinh phòng dịch trong khả năng có thể. Nhưng theo Hassan, nhiều lúc rất khó mua khẩu trang ở một khu phố nghèo của tỉnh Giza, nơi chị đang sinh sống, còn dung dịch rửa tay khô thì quá đắt đối với những người có thu nhập thấp như chị khi một lọ nhỏ xíu cũng có giá tương đương gần 2 USD mà không phải lúc nào cũng có sẵn tại các hiệu thuốc để mua.
Cũng theo anh Fattoh, người Ai Cập có phản ứng tương đối bình tĩnh trước đại dịch này. Mặc dù vậy, anh cũng bày tỏ lo ngại khi thấy nhiều người ra đường chưa đeo khẩu trang hay chưa thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo về y tế trong phòng chống dịch. Fattoh cho rằng “sẽ là vô ích khi bạn phòng ngừa dịch bệnh trong khi người khác thì không. Bên cạnh những biện pháp của chính quyền, cũng cần có sự hợp tác và tuân thủ của tất cả mọi người. Còn nếu không thì cũng sẽ khó có thể kiểm soát được dịch”.
Dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả mọi mặt của cuộc sống, khiến con người trở nên bé nhỏ, khiến của cải vật chất trở nên vô nghĩa nếu so với sức khỏe. Người dân Ai Cập, cũng như người dân ở khắp nơi trên thế giới, đều có chung hy vọng và mong mỏi dịch bệnh sớm chấm dứt, để cuộc sống có thể trở lại bình thường, để lũ trẻ được đến trường và đùa vui cùng chúng bạn, để người lớn được “tay bắt, mặt mừng” theo phong tục truyền thống mỗi khi gặp gỡ nhau thay vì phải giữ khoảng cách như hiện nay. Ông Malek chia sẻ: “Tôi tin rằng thế giới sẽ thay đổi sau đại dịch này và tôi chỉ có một mong ước đó là có sức khỏe”. Vì theo ông, đó là thứ quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong lúc này, để mỗi sáng ông lại tiếp tục công việc của mình là mở cửa chào đón mọi người.