Từ ngày 3 đến 6/8, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các nước đối tác, đối thoại.
Các quan chức cấp cao ASEAN tại cuộc họp ASEAN SOM ngày 2/8. Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Phóng viên TTXVN tại Malaysia |
Đây là sự kiện mang tính thường kỳ, nhưng các hội nghị lần này lại đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài khu vực bởi đây là hội nghị cấp bộ trưởng cuối cùng trước khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Năm 2015 là một dấu mốc lịch sử của ASEAN khi việc hình thành cộng đồng sẽ trở thành hiện thực vào ngày 31/12. Việc trở thành Cộng đồng ASEAN sẽ là nền tảng để các nước Đông Nam Á tăng cường tình đoàn kết và hội nhập sâu rộng trong thời gian tới.
Đây cũng là nội dung bao trùm của hội nghị AMM 48. Các bộ trưởng khẳng định quyết tâm hoàn thành các bước còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 để đảm bảo hình thành cộng đồng theo đúng kế hoạch, đồng thời nhất trí cần khẩn trương xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 có chất lượng để trình Hội nghị cấp cao ASEAN 27 thông qua vào tháng 11 tới.
ASEAN sẽ trở thành cộng đồng chung vào cuối năm nay với một thị trường rộng lớn gồm hơn 600 triệu dân và có tiềm năng vươn lên mạnh mẽ. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã dự báo rằng ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển kinh tế thứ tư hoặc khu vực thương mại lớn thứ 4 thế giới. Với tiềm năng như vậy, định hướng quan hệ của ASEAN với từng nước đối tác cũng như với các nhóm nước là rất quan trọng.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và các quan hệ đối ngoại của khối, đồng thời nhất trí cần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác, tăng cường đoàn kết, nâng cao trách nhiệm và vai trò của ASEAN, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, thúc đẩy hình thành cấu trúc khu vực trên cơ sở các diễn đàn và cơ chế hiện có của ASEAN.
Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành tâm điểm của các hội nghị, đặc biệt tại ASEAN+3, hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF-22).
Mặc dù Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự, song các bộ trưởng ASEAN vẫn thảo luận một cách bao quát vấn đề này, đồng thời bàn cách giải quyết sự xói mòn lòng tin giữa các bên sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép và leo thang căng thẳng trên thực địa với mục đích khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong phiên khai mạc AMM 48, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak đã kêu gọi ASEAN đóng vai trò trung tâm trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cần đưa ra phản ứng mạnh mẽ và quyết đoán hơn trước các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tham gia quá trình tham vấn thực sự có ý nghĩa với ASEAN nhằm giảm bớt căng thẳng.
Tình hình ở Biển Đông thời gian qua cho thấy việc đảm bảo hòa bình ở vùng biển này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh toàn khu vực. Biển Đông là cửa ngõ chính của giao thông hàng hải quốc tế, tuyến đường huyết mạch nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương.
Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Phiên họp hẹp AMM 48 sáng 4/8. Ảnh: Kim Dung - Phóng viên TTXVN tại Malaysia |
Vì vậy, AMM 48 khẳng định ASEAN sẽ tăng cường an ninh, an toàn và tự do hàng hải cũng như hàng không trên Biển Đông, đồng thời cam kết thúc đẩy thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để mở đường cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đánh giá tổng thể về vai trò và vị trí của ASEAN hiện nay, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN là chủ thể quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh tại khu vực với nhiều biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý xung đột thông qua nhiều khuôn khổ và cơ chế khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đang trở thành một khu vực ngày càng năng động với tốc độ tăng trưởng cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục suy giảm, các nền kinh tế ASEAN vẫn tăng trưởng ổn định bình quân khoảng 5%/năm.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, ASEAN đã đạt nhiều kết quả thực chất, nhất là về xây dựng và tăng cường thể chế, cơ chế chính sách nhằm phát triển con người, thúc đẩy các quyền xã hội, phúc lợi và bảo vệ xã hội, bảo đảm môi trường bền vững, nâng cao bản sắc ASEAN. Về đối ngoại, ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 10 nước đối thoại, 83 quốc gia và tổ chức khu vực đã cử đại sứ tại ASEAN.
ASEAN đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện thông qua việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, chất lượng hội nhập của khối còn phụ thuộc vào nỗ lực của các nước thành viên trong việc giải quyết những vấn đề lớn hiện nay, trong đó có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nếu không được giải quyết triệt để, những thách thức này sẽ là một trở ngại trên con đường hội nhập của ASEAN.