Năm 2015 là một dấu mốc lịch sử của ASEAN bởi việc hình thành Cộng đồng sẽ trở thành hiện thực vào ngày 31/12.Việc trở thành một Cộng đồng sẽ là nền tảng để các nước Đông Nam Á tăng cường tình đoàn kết và hội nhập sâu rộng trong vòng 10 năm tới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu sự tiến bộ đáng kể mà ASEAN đã thực hiện trong 5 năm qua, với nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, từ đó có định hướng cho con đường phát triển tiếp theo.
Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2014) và 47 năm Ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2014), ngày 8/8/2014, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Lễ thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Lộ trình rút ngắn
Ý tưởng về Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đề cập vào năm 1997, khi ASEAN kỷ niệm 30 năm ngày thành lập bằng việc lãnh đạo các nước thành viên thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020.
Ý tưởng này sau đó dần được cụ thể hóa theo từng bước phát triển của Hiệp hội. Đến tháng 10/2003, quyết định thiết lập một Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 chính thức được thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II.
Sau đó, đến tháng 1/2007, các nhà Lãnh đạo ASEAN nhất trí đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối, rút ngắn việc hình thành Cộng đồng vào năm 2015 thay vì 2020 như thỏa thuận trước đó.
Có thể nói, việc Hiến chương ASEAN ra đời và có hiệu lực từ cuối năm 2008 được coi là dấu mốc quan trọng cho ASEAN bắt tay vào xây dựng Cộng đồng một cách quy củ, theo nghĩa có "luật" và các nguyên tắc.
Việc các nhà lãnh đạo ASEAN ban đầu đề ra lộ trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2020 nhưng sau đó quyết định rút ngắn quá trình này 5 năm là có lý do của nó.
Thứ nhất, mặc dù ai cũng hiểu rằng phải có thời gian thì ASEAN mới có thể biến ý tưởng xây dựng Cộng đồng thành hiện thực nhưng do tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, nhất là xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế đang được đẩy mạnh trên thế giới đòi hỏi Hiệp hội phải kịp thời thích ứng.
Thứ hai, ASEAN đã có được nền tảng tương đối vững chắc trên cơ sở những thành tựu trong 40 năm qua, nhất là về kinh tế.
Thứ ba, rút ngắn thời gian hình thành Cộng đồng đồng nghĩa với việc để các nước thành viên có quyết tâm cao hơn, phấn đấu đẩy nhanh thực hiện các Kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột Cộng đồng giai đoạn từ 2009-2015 đã đề ra.
Hơn nữa, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN được xác định sẽ là một tiến trình lâu dài và liên tục. Vì vậy, năm 2015 chưa phải là điểm kết thúc mà sẽ là một dấu mốc quan trọng của tiến trình hình thành Cộng đồng bằng việc nhìn lại và đánh giá kết quả triển khai các chương trình hành động, lộ trình đã lên kế hoạch.
Trên cơ sở đó, ASEAN đề xuất lộ trình mới cho chặng đường tiếp theo với những mục tiêu, mốc thời gian cụ thể để Hiệp hội vươn tới. Hiện nay, ASEAN đang xây dựng kế hoạch tổng thể trong mười năm, tức là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Những kinh nghiệm
Ngày 31/12/2015 cần được xem như điểm khởi đầu và thử sức trên hành trình hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN. Nhìn lại những nỗ lực phấn đấu của ASEAN trong 5 năm đã qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, việc triển khai các hành động nhằm sớm hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN là quyết sách chiến lược cần thiết, đúng lúc, đúng xu thế, nếu khu vực không tăng cường liên kết và hội nhập toàn cầu thì không thể thích ứng và xử lý được những thách thức đặt ra cho toàn khu vực và đối với từng quốc gia thành viên. ASEAN càng bước nhanh vào Cộng đồng thì càng có thêm lợi thế và khả năng ứng phó trước yêu cầu đòi hỏi của thời đại.
Thứ hai, điều kiện "cần và đủ" để ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng trước hết là phải có quyết tâm và ý chí chính trị cao từ các nước thành viên. Quyết tâm đến đâu thì Hiệp hội sẽ có quyết sách hành động đến đó. ASEAN cũng cần thiết lập được thể chế, bộ máy tổ chức, cơ chế triển khai các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả; đồng thời huy động được các nguồn lực cần thiết từ cả bên trong và bên ngoài khối.
Đặc biệt, quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN không chỉ bó hẹp trong phạm vi 10 quốc gia thành viên mà cần gắn kết với các khu vực khác, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế. Về bản chất, Cộng đồng ASEAN luôn là một cộng đồng rộng mở, hướng ra bên ngoài.
Thực tiễn 5 năm qua cho thấy muốn biến giấc mơ thành hiện thực, bên cạnh những kết quả đạt được, ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm. Mức độ liên kết sâu rộng hơn của khu vực trong thời gian tới sẽ tùy thuộc chính vào khả năng ASEAN vượt qua những thách thức trở ngại đang đặt ra.
Bên cạnh việc gấp rút triển khai các công việc còn lại để công bố việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, thời gian tới ASEAN sẽ tiếp tục tích cực xây dựng và sau đó là triển khai các chương trình, kế hoạch của tầm nhìn ASEAN sau 2015 với mức độ liên kết ở tầm cao hơn cả về chính trị-an ninh; kinh tế; văn hóa xã hội; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác cũng như tăng cường vai trò và vị trí của ASEAN trong khu vực.
Đóng góp của Việt Nam
Với tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngay từ buổi đầu hình thành ý tưởng, cho đến giai đoạn định hình chính sách và triển khai.
Năm 1998, chỉ ba năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội. Năm 2001, Việt Nam là nước chủ trì xây dựng và góp phần trong Tuyên bố Hà Nội về “Thu hẹp khoảng cách phát triển”.
Cờ Việt Nam phấp phới bay cùng cờ các nước ASEAN tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN, ngày 28/7/1995. Ảnh: Trần Sơn - TTXVN |