Điều gì thúc đẩy Mỹ chấm dứt Hiệp ước hạt nhân với Nga sau 31 năm?

Sự “ác cảm” của chính quyền Tổng thống Trump với các thỏa thuận quốc tế và quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã thúc đẩy Mỹ chấm dứt Hiệp ước hạt nhân với Nga sau hơn 3 thập kỷ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào rạng sáng 21/10 theo giờ Việt Nam xác nhận nước này sẽ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga, với lý do Moskva vi phạm thỏa thuận và Trung Quốc phát triển kho tên lửa đầy tham vọng.

“Nga đã vi phạm thỏa thuận. Họ đã vi phạm nhiều năm rồi. Chúng ta là những người giữ cam kết và trân trọng nó. Nhưng thật đáng tiếc, Nga không như vậy”, Tổng thống Trump nói với phóng viên trước khi lên chuyên cơ Không lực Một rời khỏi bang Nevada sau một cuộc vận động.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chính sự “ác cảm” của chính quyền Tổng thống Trump với các thỏa thuận quốc tế và quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là những yếu tố thúc đẩy Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân với Nga sau hơn 30 năm. Trước đó, việc ký kết Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 1987 là một khoảnh khắc lịch sử khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng cũng như hậu quả nguy cơ nổ ra từ quyết định hủy bỏ INF.

Nga

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận vì những hành động của họ. Việc hủy bỏ hiệp ước cam kết với Nga sẽ cho phép Mỹ phát triển chương trình tên lửa tương tự và nhiều nhà phân tích lo ngại điều đó có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang.

"Các quan chức Nga có lẽ đang ăn mừng tin này. Mỹ sẽ bị chỉ trích và đổ lỗi vì việc tự ý hủy bỏ hiệp ước”, Steven Pifer, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao và chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Viện Brookings nhận định ngày 19/10.

Hiện Nga cũng tập trung phát triển tên lửa hành trình tương đối đáng kể. Điều này có nghĩa nếu như thỏa thuận giải trừ vũ khí giữa Mỹ và Nga chấm dứt, Moskva có thể bắt đầu triển khai chương trình hạt nhân rộng rãi hơn. "Moskva sẽ được tự do triển khai tên lửa hành trình 9M729 và tên lửa đạn đạo tầm trung nếu muốn, không có bất kỳ sự kiềm chế nào",ông Pifer nói thêm.

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu một chương trình nghiên cứu và phát triển phù hợp với hiệp ước cho một tên lửa tầm trung, khả năng phòng vệ thực tiễn của loại tên lửa đó sẽ mất nhiều thời gian thử nghiệm.

Trung Quốc

Từ năm 1987, quân đội Trung Quốc đã triển khai một nỗ lực hiện đại hóa ấn tượng, đầu tư hàng tỷ đô la để mua vũ khí mới. Một lĩnh vực mà Trung Quốc đầu tư rất nhiều là sự phát triển của tên lửa. Các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ chỉ ra rằng, nếu xét theo quy định trong hiệp ước INF, có đến 95% trong số khoảng 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc là vi phạm.

Bộ phận các nhà phê bình của hiệp ước, bao gồm cả Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton của bang Arkansas, cho rằng Trung Quốc là lý do mà Mỹ nên cân nhắc khi chấm dứt thỏa thuận. "Trung Quốc đang dự trữ tên lửa vì họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận. Từ lâu tôi đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Mỹ nên xem xét liệu hiệp ước này còn phục vụ lợi ích quốc gia hay không”.

Chú thích ảnh
Ngày 8/12/1987, lãnh đạo Liên Xô khi đó là ông Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước INF. Ảnh: Reuters

Cố vấn Bolton đứng sau quyết định này?

Một số nhà phân tích chỉ ra, trong một bài luận xuất bản năm 2011 được chính cố vấn John Bolton viết trước khi công khai tố cáo Nga vi phạm hiệp ước, tác giả khuyên rằng Mỹ nên rút khỏi hiệp ước, viện dẫn các chương trình tên lửa của Iran là lý do.

Trong khi Bolton nói rằng những bài xã luận ông viết không nhất thiết đại diện cho các chính sách mà ông theo đuổi, song kể từ khi gia nhập chính quyền của Tổng thống Trump, ông thường xuyên chỉ trích những gì ông coi là vi phạm chủ quyền của Mỹ.

"Tôi nghĩ Bolton là nhân tố ảnh hướng lớn tới quyết định của Tổng thống Trump, nó phù hợp với quan điểm không thích các thỏa thuận và thỏa thuận đa phương của ông, đặc biệt là những thỏa thuận hạn chế quyền tự do hành động của Mỹ. Ông ấy đang dần hình thành dấu ấn của mình trong ban Hội đồng An ninh Quốc gia", cố vấn quân sự của kênh truyền hình John Kirby cho biết.

Kirby chỉ ra thêm, điều thú vị là cả Bộ Ngoại giao lẫn Lầu Năm Góc đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Cố vấn Bolton dự kiến thảo luận về nội dung hiệp ước với các quan chức Nga trong chuyến đi tới Moskva trong tuần này.

Phản ứng của Quốc hội

Động thái của Tổng thống Trump đã khiến một số thành viên Quốc hội bày tỏ phản đối.

"Chắc chắn Nga phải chịu trách nhiệm trước sự chấm dứt hiệp ước INF. Tuy nhiên, quyết định rút khỏi hiệp ước mà không có một chiến lược toàn diện để giải quyết các ý nghĩa chiến lược cơ bản của nó và không tham khảo ý kiến của Quốc hội hoặc các đồng minh là đang đe dọa lợi ích an ninh lâu dài của Mỹ”, Thượng nghị sĩ Robert Menendez – đại diện đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại, nói trong một tuyên bố.

Trong khi đó, nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - nhận định tuyên bố của Trump có thể là nỗ lực nhằm đưa Nga trở lại bàn đàm phán để cho ra đời một hiệp ước mứi, giống như cách chính quyền Washington đe dọa rút khỏi NAFTA trước khi việc đàm phán sẽ được tái ký kết vào cuối năm nay.

"Có lẽ đây chỉ là một động thái để nói, hãy nhìn xem, nếu các ông không thẳng thắn, chúng tôi sẽ ra khỏi hiệp ước này. Tôi hy vọng mọi việc sẽ như vậy. Tôi hy vọng chúng ta có thể tìm ra phương thức để duy trì hiệp ước."

Các đồng minh châu Âu

Mặc dù NATO chỉ trích Nga vi phạm các quy định trong hiệp ước song cũng khẳng định INF đóng vai trò “rất quan trọng" đối với nền an ninh các nước xung quanh Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chỉ trích quyết định của Trump, gọi nó là "đáng tiếc" và đặt Đức cũng như châu Âu vào thế khó.

Nhiều quan chức châu Âu nhớ lại "Cuộc khủng hoảng tên lửa Euro" trong những thập niên 1980, khi việc triển khai các tên lửa SS-20 của Liên Xô tại các nước thuộc khối Warszawa gây ra chia rẽ chính trị ở châu Âu trong việc liệu có hỗ trợ cho tên lửa Pershing của Mỹ.

Nếu Mỹ phát triển và tìm kiếm một loại tên lửa tầm trung để đối phó với dàn vũ khí của Nga, Mỹ sẽ cần sự hỗ trợ của các đồng minh châu Âu, một điều mà cho đến giờ vẫn chưa phải là một sự đảm bảo tuyệt đối.

Iran và Triều Tiên

Chuyên gia phân tích quân sự Kirby nhận xét quyết định chấm dứt hiệp ước INF có thể sẽ "làm giảm sự tín nhiệm của Mỹ tại bàn đàm phán" liên quan đến những nỗ lực nhằm cắt giảm chương trình tên lửa của Triều Tiên và Iran.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa với Nga, mũi tên trúng hai đích?
Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa với Nga, mũi tên trúng hai đích?

Các chuyên gia đánh giá việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Vũ khí Tên lửa Tầm trung (INF) dường như không chỉ là gửi thông điệp đến Nga mà còn cả tới Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN