Khi được hỏi về kế hoạch tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chấm dứt Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) lịch sử, cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev - một trong hai “cha đẻ” của thỏa thuận - lên án: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được khi phá vỡ những thỏa thuận cũ về giải trừ vũ khí”.
Cựu lãnh đạo Liên Xô nhấn mạnh thêm: “Không thể hiểu nổi khi rõ ràng việc chấm dứt những thỏa thuận như vậy là ‘nông cạn’. Động thái của Tổng thống Trump là một sai lầm, sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực mà những nhà lãnh đạo đời trước của Liên Xô và Mỹ đạt được liên quan đến vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Trump, giới chức Nga cũng đưa ra đánh giá tương tự.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga - Konstantin Kosachev – cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ mở đường cho tình trạng “hỗn loạn hoàn toàn” liên quan đến vũ khí hạt nhân.
“Hiện các đồng minh phương Tây của Mỹ phải đối diện với một lựa chọn: theo con đường mà Mỹ đã đi và từ đó dấy lên nguy cơ một cuộc chiến tranh mới, hay là vì lợi ích chung, ít nhất là vì bản năng sinh tồn của chính mình”, ông Konstantin Kosachev lưu ý.
Trong khi các đồng minh của Mỹ vẫn đang chần chừ trong phản ứng trước quyết định của Tổng thống Trump, Đức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về hậu quả khi INF bị hủy bỏ.
“Hiệp định đó trong 30 năm nay trở thành một kim chỉ nam trong quá trình đảm bảo an ninh của châu Âu... Mỹ cần cân nhắc về các hậu quả nguy cơ”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ trong một tuyên bố hôm 21/10.
Trước đó, vào rạng sáng 21/10 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận nước này sẽ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga, đồng thời cáo buộc Moskva đã vi phạm thỏa thuận này.
Tổng thống Trump khẳng định Nga đã vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết.
Trong phản ứng đầu tiên, hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga bình luận động thái của Washington được thúc đẩy bởi "giấc mơ về một thế giới đơn cực" và điều này sẽ không xảy ra.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga thời gian gần đây đã trở nên rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như việc Moskva ủng hộ chính quyền Syria và vấn đề ở Ukraine. Tuy nhiên, Washington hiện cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Moskva trong vấn đề Syria, Iran và Triều Tiên.