Quân đội Mỹ - Hàn Quốc tập trận chung hồi tháng 4/2017. Ảnh: AP
|
Lầu Năm Góc thông báo lực lượng binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ sẽ tham gia tập trận chung thường niên tại Pohang, bờ biển Đông Nam của Hàn Quốc, vào ngày 1/4 tới. Cuộc tập trận này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ chấp nhận gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bình Nhưỡng vẫn bình tĩnh im lặng trước sự kiện mà lâu nay vẫn bị coi là sự chuẩn bị cho cuộc tấn công Triều Tiên.
Theo Lầu Năm Góc, cuộc tập trận năm nay, vốn bị trì hoãn trong bối cảnh bầu không khí hòa bình từ Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, sẽ “được thực hiện với quy mô tương tự như các năm trước”. Trước đó, tin tức cho hay quy mô tập trận sẽ bị giảm thiểu trước triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Cuộc tập trận quy mô lớn gồm 2 hạng mục là “Đại bàng non” và “Giải pháp then chốt”. Có khoảng 11.500 binh sĩ Mỹ và 290.000 binh sĩ Hàn Quốc tham gia Đại bàng non, trong khi có khoảng 12.200 bính sĩ Mỹ và 10.000 quân nhân Hàn Quốc tham gia Giải pháp then chốt - một chương trình huấn luyện mô phỏng trên máy tính. Cuộc tập trận mang tính phòng thủ diễn ra trong gần 40 năm qua bao gồm các hoạt động huấn luyện trên không, trên biển và mặt đất. Năm 2017 chứng kiến sự tham gia của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với các phương tiện tấn công đổ bộ, xe tăng và xe tải bọc thép. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tiên tiết lộ với CNBC rằng nhóm tàu sân bay sẽ không tham gia hoạt động năm nay, khẳng định điều này là do việc lên kế hoạch từ trước, chứ không liên quan bầu không khí chính trị (hòa dịu) hiện nay.
Thông thường, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn gây ra phản ứng khó chịu từ phía Triều Tiên vì họ cho rằng các cuộc tập trận chung này chính là sự diễn tập cho một cuộc xâm lược bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Bình Nhưỡng vẫn chưa bình luận gì mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định rằng Triều Tiên đã được thông báo về các hoạt động diễn tập vốn kéo dài đến tận cuối tháng 5. “Điều này có thể là nỗ lực của Mỹ và Hàn Quốc nhằm duy trì một môi trường có lợi hơn cho các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng trước khi các cuộc gặp thượng đỉnh xảy ra”, trang CNBC dẫn nhận định của Lisa Collins, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Giải thích về sự im lặng của Bình Nhưỡng trước cuộc tập trận Mỹ - Hàn lần này, chuyên gia Collins tiếp tục chia sẻ với CNBC: “Triều Tiên có thể đã bất ngờ trước việc Trump nhanh chóng chấp thuận đề nghị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và có thể đang thận trọng nghĩ cách phản ứng hoặc họ có thể đang muốn trì hoãn sự phản ứng nhằm tạo ra sự hồi hộp chờ đợi lớn hơn và thu hút sự chú ý nhiều hơn của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này”.
Theo ông Collins, sự tập trung cao độ vào kết quả cuộc gặp thượng đỉnh sau đó có thể sẽ được sử dụng làm con bài mặc cả cho các cuộc đàm phán. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các cuộc tập trận này không nhằm khiêu khích Triều Tiên. Tuyên bố của Lầu Năm góc có đoạn: “Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tính phòng thủ và không có lý do gì để Triều Tiên coi các hoạt động này là sự khiêu khích”.
Cuộc tập trận song phương Mỹ - Hàn diễn ra tại thời điểm có sự thay đổi bất ngờ trong chính sách ngoại giao của Washington với Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un thông qua thông điệp truyền tải từ phái đoàn Hàn Quốc do Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong dẫn đầu. Tính đến thời điểm này, Triều Tiên vẫn chưa tuyên bố thừa nhận sự chấp thuận của Tổng thống Trump trước lời mời của nhà lãnh đạo Kim. Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn tái khẳng định sức mạnh liên minh Mỹ - Hàn và nhấn mạnh rằng “không có khoảng cách nào giữa Washington và Seoul”.