Những thành phố 'khát'

Mùa hè này, 4 triệu cư dân Cape Town (Nam Phi)- một trong những thành phố lớn và thịnh vượng nhất châu Phi - có thể sẽ phải lũ lượt xếp hàng trước sự giám sát của lực lượng an ninh, chờ đợi phân phối thứ của cải quý giá nhất trong khu vực: nước uống.

Tăng trưởng dân số cộng với nạn hạn hán kỷ lục vốn đã trầm trọng hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, đang khiến Cape Town hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nước đô thị nguy cấp nhất thế giới. Giới chức thành phố đã cảnh báo người dân có thể phải trải qua "Day Zero" (Ngày Không nước), khi thành phố buộc phải cắt nước các hộ gia đình và doanh nghiệp nếu mực nước các hồ chứa xuống quá thấp. Khi "Day Zero" được áp dụng, toàn bộ nguồn cung nước máy trong thành phố sẽ bị cắt, người dân chỉ còn cách tới 149 điểm nước sạch để nhận khẩu phần hàng ngày là 25 lít nước mỗi người.

Việc cắt nước sạch tại một thành phố toàn cầu như Cape Town dường như khó tin nổi. Nhưng trên thực tế, phát triển thái quá, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu đã làm mất cân bằng cung và cầu nước khiến nhiều đô thị từ Bắc Mỹ cho tới Nam Mỹ, châu Đại dương hay châu Á cũng đang đối mặt mối đe dọa thiếu nước sạch. Một phần không nhỏ trong 21 triệu cư dân Mexico City chỉ có nước máy vào ban ngày và 1/5 trong số này chỉ được cấp nước sạch vài giờ mỗi tuần. Người dân thủ đô New Delhi (Ấn Độ) hàng ngày vẫn phải chen chân xếp hàng lấy nước máy. Còn thủ đô Jakarta, Indonesia thì đang khô cạn đến mức thành phố đang chìm đi với tốc độ nhanh hơn tốc độ nước biển dâng lên, do người dân tự hút nước ngầm dưới lòng đất. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có tới 2,1 tỉ người hiện không có nước uống an toàn tại nhà.

Giờ đây, các quốc gia trên thế giới đều hiểu rằng, trong tương lai không xa, khủng hoảng nước sẽ không chỉ xảy ra ở những nơi xa xôi, khô hạn, mà ngay tại những đô thị giàu có, thậm chí những khu vực giàu tài nguyên nước. Một nước nông nghiệp như Việt Nam lại càng thấm thía hơn ai hết những biến động của nước. Hơn 2.300 con sông dài trên 10km dường như là một nguồn cung nước dồi dào, nhưng theo thống kê, cứ 3 người dân nước ta thì lại có 1 người sống trong tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Những con sông quốc tế - nguồn cung cấp nước bề mặt chính cho nước ta - đã bị các nước ở thượng lưu khai thác triệt để, đặt ra nguy cơ nguồn nước chảy về Việt Nam ngày càng suy giảm. Tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ngày càng gây tác động khôn lường. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan đó, thì phải kể đến những nguyên nhân từ chính chúng ta như rừng đầu nguồn bị tàn phá, nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi gây cạn kiệt tài nguyên, trong khi năng suất sử dụng nước lại kém hiệu quả; nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng nề do các hoạt động sản xuất...

Năm nay, Ngày Nước thế giới (22/3), chủ đề được Liên hợp quốc lựa chọn là "Nature for water", nhằm kêu gọi những "giải pháp xanh" từ thiên nhiên để giải quyết vấn đề nước. Không thể phủ nhận những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý bảo vệ tài nguyên nước, nhưng chúng ta vẫn đang đối mặt nhiều thách thức và hậu quả, mà gần đây nhất là nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2016. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cấp thiết để chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên nước bằng những thay đổi thực chất và hiệu quả hơn.

Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh vì nguồn nước và chắc chắn trong tương lai sẽ có thêm nhiều cuộc xung đột-nước, thêm nhiều "thành phố khát", nhiều "Day Zero" nữa, nếu chúng ta không thực sự hành động ngay từ hôm nay.

Thu Hằng
Cuộc khủng hoảng nước không xa vời
Cuộc khủng hoảng nước không xa vời

Thời gian gần đây, cụm từ "Day Zero" (Ngày không nước) liên tục được nhắc đến như một hồi chuông báo động về tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt tại Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN