'Từ bỏ' smartphone

Kể từ năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới, toàn bộ học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Pháp (tuổi từ 6-15) sẽ bị cấm dùng điện thoại di động tại trường học. Các em có thể mang điện thoại đến trường nhưng không được phép sử dụng kể cả trong giờ ra chơi.

Ở Pháp, 93% trẻ từ 12-17 tuổi sở hữu điện thoại di động. Smartphone và internet là một phần quan trọng trong cuộc sống của không chỉ người lớn mà đa số trẻ em. Chính vì thế, lệnh cấm của chính phủ thực sự là một động thái cấp tiến. Nhưng vì sao giữa kỷ nguyên kỹ thuật số này, nước Pháp lại dường như đang rời xa khỏi những gì mà nhiều nước khác trong đó có Việt Nam đang “hướng tới”? Ông Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer lý giải về động thái quyết liệt của chính phủ Thủ tướng Macron: “Thời đại này, trẻ em không còn chơi đùa trong giờ ra chơi nữa, chúng chỉ dán mắt vào màn hình smartphone và nhìn từ quan điểm giáo dục, đó là một vấn đề”. Thống kê ở Pháp cho thấy, ngày nay 40% quyết định kỷ luật của các nhà trường là dành cho những hành vi của học sinh liên quan tới điện thoại di động. 

Không chỉ ở Pháp, tại Luxemburg, học sinh tiểu học và trung học cũng phải tắt điện thoại di động cả giờ học lẫn giờ nghỉ, và chỉ được phép dùng với một số ngoại lệ. Tại Anh, không có trường học nào cấm điện thoại di động vào năm 2001, nhưng tới 2007, 50% số trường đã cấm các thiết bị điện tử di động trong giờ học, và tới 2012, con số này tăng lên 98%. Còn ở châu Á, Malaysia ban hành lệnh cấm vào năm 2014. Hầu hết các trường học Singapore cấm học sinh dùng điện thoại di động, ai vi phạm sẽ bị tịch thu điện thoại. Indonesia thậm chí còn xem xét cấm cả việc học sinh dùng điện thoại bên ngoài trường học. Bộ Giáo dục Nhật Bản thì chỉ đạo các trường tiểu học và trung học không cho học sinh dùng điện thoại khi đến lớp. Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản không được phép dùng điện thoại sau 21 giờ.

Ở Việt Nam, không thể phủ nhận nhiều trường học hiện nay đã cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ lên lớp, thế nhưng một quy định cấm mang tính bắt buộc và trên phạm vi lớn là cần thiết để hiệu lực thi hành được mạnh mẽ hơn. Buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1 vừa qua, thầy chủ nhiệm lớp 10 của con trai tôi đã phải phát biểu như “xin” phụ huynh rằng gia đình cần hạn chế cho con dùng smartphone bởi các con chơi game, “lướt Phây” ngay trong giờ học. Rõ ràng đã đến lúc ta không thể chần chừ trước những ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại di động với học sinh tiểu học và phổ thông, lứa tuổi rất dễ nhiễm độc từ internet, lứa tuổi cần hơn bao giờ hết sự tập trung để thâu nạp kiến thức, phát triển thể chất và hình thành nhân cách.

Trở lại với người Pháp. Tôi đã hỏi chuyện cô cháu gái Camille Ly mang hai dòng máu Pháp – Việt hiện đang học lớp 8 ở Compiègne (miền bắc Pháp), cô bé khá lo lắng về lệnh cấm mới, coi đó là một biện pháp gây bất tiện cho học sinh khi cần liên hệ với gia đình hoặc tra cứu những thông tin cần thiết cho học tập ở trường. Camille Ly tin chắc rằng các bạn của cô bé sẽ vẫn mang smartphone đến trường và lén dùng. Vì thế, một lộ trình ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của điện thoại di động đối với học sinh phải được xem xét kỹ càng, làm sao để học trò ngày nay vẫn tận dụng được những lợi ích của công nghệ trong học tập và đời sống. Có một ví dụ thành công cho quá trình “ngăn chặn” này ở Thuỵ Điển. Là một trong những quốc gia áp dụng sớm nhất các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của điện thoại di động trong nhà trường vào đầu những năm 2000, Thuỵ Điển nâng dần các cấp độ ngăn chặn. Và cứ từ từ như vậy, tới nay nghiên cứu cho thấy 40% học sinh từ 10-15 tuổi ở Thuỵ Điện không sử dụng điện thoại di động hoàn toàn ở trường; 53% sử dụng trong giờ nghỉ và đặc biệt là có tới 57%  học sinh lứa tuổi này cho rằng lệnh cấm là hữu ích.

Thu Hằng
Nghe giáo sư Mỹ nói về tác hại khôn lường của việc xem điện thoại trước khi ngủ
Nghe giáo sư Mỹ nói về tác hại khôn lường của việc xem điện thoại trước khi ngủ

Nhiều người có thói quen xem điện thoại trước khi ngủ mà không hề biết thói quen này là thuốc độc với sức khỏe của chính mình. Có thể lời khuyên của giáo sư Mỹ sau đây sẽ giúp chúng ta thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN