Dịch COVID-19 - 'Cuộc sát hạch' cơ hội tái cử của Tổng thống Donald Trump

Việc Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo cùng các thành viên của nhóm đặc trách về chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 14/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự lây lan của dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân trên khắp thế giới. Và người dân Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, cũng không phải ngoại lệ. Từ lúc tự cho "chỉ chịu tác động ở mức thấp" khi dịch bùng phát hồi đầu năm ở Trung Quốc, Mỹ nay đã thực sự trở thành "tâm dịch" khi số ca nhiễm gia tăng khó kiểm soát trên khắp 50 bang, thủ đô Washington và vùng lãnh thổ Mỹ. Tính đến sáng 23/3, Mỹ đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm với trên 33.500 trường hợp, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Italy, và 419 ca tử vong. 

Những ngày đầu khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại một số bang của Mỹ, chính quyền Mỹ cũng như người dân dường như chưa lường hết được mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan và tác động khủng khiếp của virus SARs-CoV-2, mặc dù các chuyên gia và giới chức y tế Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng loại virus này gần như đáp ứng được các tiêu chí để bị đánh giá gây ra đại dịch toàn cầu, đồng thời cảnh báo chính quyền Tổng thống Donald Trump cần sớm đưa ra các biện pháp đối phó.

Tổng thống Mỹ khi đó cho rằng những lo ngại trên là “thái quá” và Mỹ hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh dịch này. Trên trang Twitter, ông chủ Nhà Trắng dẫn chứng số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ tại thời điểm đó (khoảng 540 người, 22 ca tử vong) với con số 37.000 người Mỹ tử vong do cúm mùa riêng năm ngoái. Và nhịp sống của người dân Mỹ ở các thành phố lớn như New York, San Francisco, bang California vẫn tiếp tục náo nhiệt như chưa hề có sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2. 

Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên nhiều bang của Mỹ, đặc biệt là bang Washington, thành phố New York hay bang California với số ca nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng chóng mặt, đã khiến chính quyền Tổng thống Trump phải thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận, đồng thời nhanh chóng đưa ra các kế hoạch khẩn cấp nhằm đối phó với dịch bệnh.

Một nhóm đặc trách của Nhà Trắng do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu đã được thành lập. Các cuộc họp báo được tổ chức hằng ngày tại Nhà Trắng nhằm thông tin cho người dân Mỹ về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp mà Chính phủ Mỹ triển khai để đảm bảo sức khỏe người dân.

Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump cũng không tránh khỏi phải đối mặt với những chỉ trích về phản ứng đối với dịch bệnh, tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cũng như các thủ tục và quy trình phức tạp để người dân có thể được xét nghiệm. Chính quyền nhiều tiểu bang, các bệnh viện, cơ sở y tế yêu cầu Chính phủ Mỹ cung cấp các bộ thử virus SARS-CoV-2 nhằm thúc đẩy quá trình xét nghiệm, cung cấp nguồn vật tư để bảo vệ sức khỏe cho các bác sĩ và y tá đang đấu tranh trên tuyến đầu như mặt nạ và áo choàng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu máy thở, hoặc ống thở, dự kiến nhu cầu sẽ tăng cao khi virus SARS-CoV-2 lây lan trong những tuần và tháng tới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 7/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nước Mỹ chỉ thực sự bước vào cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 khi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD cho việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuyên bố này của Tổng thống Trump theo đạo luật Stafford sẽ cho phép Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp ngân sách đối phó thảm họa cho các chính quyền bang và địa phương, cũng như cung cấp sự hỗ trợ liên bang đối với việc ứng phó với virus SARS-CoV-2.  

Sau tuyên bố trên, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một loạt các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới với một số nước như châu Âu, Iran, Hàn Quốc, Canada, Mexico... và nâng cảnh báo đi lại lên mức độ cao nhất, hối thúc người dân Mỹ không đi ra nước ngoài, đồng thời kêu gọi người Mỹ tại nước ngoài nhanh chóng trở về. Chính quyền các bang cũng ra các sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà, cấm các cuộc tụ họp đông người, hủy các sự kiện thể thao, văn hóa và các lễ hội, đóng cửa trường học, các quán bar, nhà hàng, khu ẩm thực, khách sạn, khu trung tâm thương mại hay các phòng tập gym.

Những biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus như yêu cầu người dân ở nhà đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cũng như gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Theo số liệu thống kê, số người thất nghiệp tăng vọt và dự báo đạt mức kỷ lục 1,5 triệu người vào tuần cuối của tháng 3. Dịch COVID-19 khiến gần 7 triệu người dân sống ở khu vực rộng lớn ở vịnh San Francisco hiện bị phong tỏa và phải ở nhà, tiếp đến là người dân thành phố New York, một trong những “điểm nóng” tại Mỹ và sắp tới có khả năng người dân ở các thành phố lớn khác của Mỹ cũng trong cảnh ngộ như vậy.

Trong bối cảnh như vậy, chi tiêu của người tiêu dùng, huyết mạch của nền kinh tế, sẽ giảm hàng trăm tỷ nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ. Việc hàng triệu việc làm bị mất đi cùng với chi tiêu giảm sẽ tạo thành vòng xoáy đẩy nền kinh tế đi xuống mà không có một kết thúc rõ ràng, khiến Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm COVID-19 tại trung tâm chăm sóc sức khỏe Kirkland, bang Washington, Mỹ ngày 29/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhằm hỗ trợ người dân Mỹ cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chính quyền Tổng thống Trump cũng như các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế lớn, trong đó dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch. Dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng. Dự luật thứ ba trị giá lớn nhất là 1 nghìn tỷ sẽ hỗ trợ trực tiếp mỗi người dân Mỹ 2 tờ séc trị giá 1.000 USD trong vòng 9 tuần cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp và các ngành của Mỹ. 

Các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, vừa thúc đẩy công tác ngăn chặn dịch vừa hỗ trợ cuộc sống người dân và các doanh nghiệp Mỹ mà Nhà Trắng liên tiếp đưa ra cho thấy Tổng thống Trump hơn ai hết hiểu rõ tầm quan trọng của việc phải ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh tại Mỹ. Ông phải dồn mọi nỗ lực và đặt ưu tiên hàng đầu để nước Mỹ không bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát vì COVID-19 bởi nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái - gây bất lợi cho ông khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần.

Đối với Tổng thống Trump, đây thực sự là một "cuộc sát hạch" lớn nhưng cũng là cơ hội để ông thể hiện năng lực của mình. Khả năng Tổng thống Donald Trump có thể giành được sự ủng hộ của cử tri để tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cách ông đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19.

Đặng Huyền (PV TTXVN tại Mỹ)
Sức khỏe tâm lý trong thời kỳ COVID-19 lây lan ở Mỹ
Sức khỏe tâm lý trong thời kỳ COVID-19 lây lan ở Mỹ

Trong vài ngày, cảm giác bất an và hoang mang như đám mây đen đeo bám người phụ nữ 62 tuổi sống tại Nebraska (Mỹ) Ann Ostberg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN