Đảo Síp: Nỗi đau của nền hòa bình chưa trọn vẹn

Khó ai có thể tưởng tượng rằng, vào thế kỷ 21, ngay trong Liên minh châu Âu (EU), nơi luôn đề cao những giá trị tự do, nhân bản,hòa bình, bác ái vẫn có một quốc gia đang bị chia cắt Bắc – Nam.

Khu phân giới giữa hai vùng lãnh thổ Bắc và Nam Cyprus. Ảnh: haydibreh.com

Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại thành phố Lemassos, ông Georges On.Christophides vừa đưa ra lời giới thiệu trên, vừa lái xe đưa chúng tôi đến sát khu vực Ranh giới Xanh (Green line), đường giới tuyến tạm thời do Phái bộ gìn giữ Hòa bình Liên hiệp quốc (UNFICYP) quản lý, phân định hai miền lãnh thổ Bắc – Nam Síp cắt ngang Thủ đô Nicosia.

Trước khi có dịp được đặt chân đến đảo quốc Cộng hòa Síp, tất cả những gì mà tôi biết về đất nước nhỏ bé này chỉ gói gọn trong vở diễn nổi tiếng "Hòn đảo Thần Vệ Nữ" được các nghệ sĩ Việt Nam trình diễn vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.

Không phải là một quốc đảo lớn, thế nhưng, vùng đất này luôn có sức hấp dẫn khó tả nhờ vào những bờ biển trải dài mênh mang, khí hậu tuyệt đối trong lành, những huyền tích lịch sử, tâm hồn lãng mạn của con người và cả ở vị trí địa chính trị rất nhạy cảm phía Đông Địa Trung Hải.

Trong cơn mưa lạnh cuối chiều, chầm chậm vượt qua những những bức tường bê tông dích dắc, xù xì, những chồng lốp xe cũ và những khối rơm lớn chằng thép gai được dùng như vật cản, chiếc xe của chúng tôi dừng hẳn lại ở giữa khu vực trung lập, nơi chỉ cách vài chục mét ở phía bên kia là trạm kiểm soát có gắn tấm biển với hàng chữ cỡ lớn “Cộng hòa Thổ Bắc Síp - Cho mãi mãi”.

Dường như, từ trong khoảng tối đen kia có những con mắt đang dõi theo dò xét và cả những mũi súng rê theo từng chuyển động của chúng tôi. Những xác xe ô tô cũ, những vết đạn lỗ chỗ trên những bức tường ám khói súng ở khu phân giới làm tất cả chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết không khí của chiến tranh, của lửa đạn và của sự chia cắt, mất mát ở ngay tại thủ đô của một quốc gia thành viên EU.

Tại những con phố nhỏ thông giữa hai khu vực, bất chấp vẻ đẹp cổ kính, người ta đã dùng những thùng phuy lớn, những xác xe ô tô tải cỡ lớn chặn kín đi kèm với những bó dây thép gai bùng nhùng như những vết chặt, chém vào cảnh quan.

Dù giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1960, nhưng từ đó đến nay, tình hình nội trị trên quốc đảo Síp chưa bao giờ ổn định. Trên thực tế, từ năm 1974, đảo quốc Síp đã bị chia cắt thành hai miền lãnh thổ ở khu vực Bắc -Nam đảo với mâu thuẫn cao độ giữa hai cộng đồng dân là người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Síp gốc Hy Lạp.

Đến năm 1983, với sự trợ giúp từ bên ngoài, cộng đồng người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương thành lập nước “Cộng hòa Thổ Bắc Síp” làm đối trọng với Cộng hòa Síp (Nam Síp), vốn chính thức được Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận.

Vấn đề Síp đã trở thành một câu hỏi nhức nhối không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới. Mặc cho những nỗ lực của Liên hiệp quốc và cộng đồng quốc tế, các cuộc đàm phán giữa đại diện hai cộng đồng người Síp ở hai miền đều không mang lại kết quả đáng kể nào cho tương lai thống nhất của quốc đảo Síp.

Với sự tăng cường hiện diện của quân đội nước ngoài, nguy cơ xung đột, chiến tranh vẫn hiện hữu âm ỉ trong lòng quốc đảo Síp, vốn được coi là nơi sinh ra Thần Vệ nữ Aphrodite với vẻ đẹp hoàn mỹ theo thần thoại Hy Lạp.

Tâm sự với chúng tôi, giọng ông Christophides trầm xuống “Dù việc đi lại của người dân giữa hai miền Bắc – Nam vẫn được duy trì có điều kiện nhưng sâu trong trái tim chúng tôi, vẫn có một vết thương chia cắt. Có lẽ hơn ai hết, các bạn Việt Nam hiểu nỗi đau dai dẳng này của nhân dân Síp từ hơn 30 năm qua”.


Đáng tiếc hơn cả, trong những ngày cuối năm 2016 vừa qua, cơ hội thống nhất, hòa hợp trên quốc đảo xinh đẹp này lại một lần nữa bị bỏ qua. Kéo dài từ ngày 7 đến 22/11/2016 tại Genève (Thụy Sỹ), các phiên đàm phán về một tương lai hòa bình, hòa hợp cho đảo quốc Síp giữa hai đại diện cộng đồng người Síp gốc Thổ và gốc Hy Lạp đã khép lại mà không có lời giải.

Mô hình một quốc gia thống nhất theo thể chế Liên bang vẫn chưa thuyết phục được sự đồng thuận của các bên có liên quan.
Bỏ lại sau lưng không khí u ám của chiến tranh, rời xa những khối bê tông vật cản và dây thép gai chằng chịt ở khu phân giới, chỉ mất vài phút, chúng tôi đã nhanh chóng trở lại những con đường rực rõ ánh sáng đèn của thủ đô Nicosia nhộn nhịp trước Lễ Giáng sinh.

Hòa trong dòng xe xuôi ngược tấp nập trên đường phố, trong tiếng nhạc và tiếng nói cười, những người sinh ra sau chiến tranh, khi nước nhà đã được thống nhất như chúng tôi lại càng cảm thấy thấm thía hơn với những giá trị của hòa bình.

Đeo đuổi những ý nghĩa riêng, nhưng có lẽ chúng tôi đều có chung mong muốn rằng “cành nguyệt quế” hòa bình, hòa hợp sẽ sớm đậu lại trên đảo quốc Síp xinh đẹp giữa màu xanh biếc của Địa Trung Hải. Một nền hòa bình trọn vẹn và hoàn mỹ như vẻ đẹp của Thần Vệ nữ Aphrodite trong huyền thoại Hy Lạp xưa kia.

Quang Thanh (P/v TTXVN tại Italy)
Sứ giả ẩm thực Việt trong lòng đảo Síp
Sứ giả ẩm thực Việt trong lòng đảo Síp

Với những món thuần Việt như nem rán, nem cuốn, phở, nhà hàng Lotus của chị Lam đã dần có lượng khách tương đối ổn định, có nguồn thu đủ để trang trải chi phí hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN