Bà Sakina, nghiên cứu viên tại mạng lưới tư vấn Balochistan, Quetta (Pakistan) bình luận trên Nhật báo Pakistan mới đây rằng xung đột Nga - Ukraine có thể được gọi là một thảm họa đa chiều. Một số quốc gia đang đứng về phía Nga, trong khi nhiều nước đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng. Giữa cuộc xung đột như vậy, hệ lụy của nó đang tác động đến toàn thế giới, kể cả những người không liên quan đến cuộc khủng hoảng.
Phản ứng toàn cầu đối với cuộc xung đột
Xung đột Nga - Ukraine đã chia cộng đồng quốc tế thành ba phần khác nhau: Thứ nhất, những quốc gia phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, chẳng hạn như Mỹ và các đồng minh. Họ không trực tiếp đối đầu với quân đội Nga, mà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhằm làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Thứ hai, các quốc gia ủng hộ lập trường của Nga như Belarus, Iran, Syria, Venezuela, Cuba và cả Trung Quốc. Cụ thể, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông, Trung Quốc đã công khai ủng hộ lập trường của Nga về phản đối mở rộng NATO. Trong khi đó, Trung Quốc từ chối tham gia các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, chọn hợp tác thương mại bình thường với Nga.
Với khẩu hiệu “Tình hữu nghị không giới hạn”, Bắc Kinh cũng đang giúp Moskva vượt qua các lệnh trừng phạt bằng cách mua dầu, khí đốt và lúa mì. Trung Quốc dường như theo đuổi đồng thời ba mục tiêu: quan hệ đối tác chiến lược với Nga, giảm thiểu thiệt hại của các lệnh trừng phạt từ EU và Mỹ đối với Nga, nhưng cũng kêu gọi bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp.
Thứ ba, các quốc gia trung lập, có nghĩa là không đứng về phía bên này hay bên kia, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan. Có vẻ như Ấn Độ đang thực hiện chính sách cân bằng. Nước này tuyên bố sẽ duy trì quan điểm trung lập trong cuộc xung đột khi quan tâm đến quan hệ đối tác chiến lược với cả Moskva và Washington.
Tác động về chính trị, kinh tế và xã hội
Theo dõi các phản ứng toàn cầu đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng ta có thể rút ra một số tác động xã hội, chính trị và kinh tế đối với thế giới. Một trong những hệ lụy chính trị của cuộc xung đột là nó đang tạo ra "Chiến tranh Lạnh 2.0" và thế giới một lần nữa sẽ trở thành nạn nhân giữa hai khối với mức độ cạnh tranh ngày càng leo thang. Do đó, xung đột đã tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh giữa các quốc gia và nhiều nước đang tăng ngân sách quốc phòng sau cuộc khủng hoảng.
Hơn nữa, cuộc xung đột đã khiến nhiều nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế liên quan, cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình, tạo ra bất ổn chính trị và kinh tế, khiến các chính phủ càng khó khăng trong giải quyết các vấn đề trong nước.
Hệ lụy kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng đang làm tổn thương tất cả. Giá dầu, giá các mặt hàng lương thực đều tăng cao. Lạm phát đang ở mức đỉnh điểm vì gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về mặt xã hội, cuộc xung đột đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Nhiều người đã thiệt mạng, mất việc làm, nhà cửa bị phá hủy. Phân biệt chủng tộc cũng nổi lên liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn và sơ tán.
Bất chấp hậu quả, cả Nga và Ukraine đều có những yêu cầu nhất định trước khi chấm dứt xung đột. Nga đã minh bạch về các điều kiện của mình khi đưa ra 4 yêu cầu đối với Ukraine để chấm dứt xung đột: phi quân sự hóa hoàn toàn, có nghĩa là Ukraine cần dừng bất kỳ loại hành động quân sự nào; sửa đổi hiến pháp của mình theo hướng trung lập (điều này sẽ ngăn cản nước này gia nhập NATO); công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, đồng thời công nhận Donetsk và Luhansk là độc lập.
Tuy nhiên, Ukraine cũng kiên quyết trong các yêu cầu của mình đối với Nga: ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ nước này.