Một nhóm ủng hộ ông Trump qua mạng xã hội Wechat giờ đã quen với việc sử dụng tiện ích có tên gọi “jielong”, cho phép họ copy mẫu tin nhắn của người dùng trước, điền tên của mình và chọn số tiền ủng hộ rồi ấn nút xác nhận mức đóng góp. Trong nhóm chat này đã có khoảng 40 người cam kết đóng quỹ, với số tiền từ vài trăm cho tới 4.000 USD, với đường link dẫn thẳng tới WinRed, một trang web gây quỹ cho đảng Cộng hòa.
Ngay từ thời điểm ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng, ông Trump và đảng Cộng hòa đã gửi email, tin nhắn tới số cử tri ủng hộ, cử tri trung thành, kêu gọi họ đóng góp tài chính. Thông điệp được WinRed phát đi là tìm kiếm các nhà tài trợ để “bảo vệ tính toàn vẹn của bầu cử” thông qua kiểm phiếu lại.
Tuy nhiên, bản báo cáo do chiến dịch tranh cử của ông Trump soạn thảo cho thấy khoảng 50% số đóng góp này sẽ được dùng để bù vào số nợ của chiến dịch. Tuần trước, một số website điều chỉnh thông tin, khẳng định 60% số tiền tạo quỹ này sẽ được chuyển thẳng vào Ủy ban hành động chính trị (PAC), quỹ Save America.
Ngay cả những người nói tiếng Anh cũng phớt lờ thông tin này, thế nên việc người gốc Hoa theo đường lối bảo thủ, những người thuộc thế hệ di cư đầu tiên tới Mỹ trong những năm 1960 và 1970, không để tâm đến số tiền đóng góp nhằm vào mục đích gì cũng là điều dễ hiểu.
Theo Sunny Shao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Dữ liệu AAPI (AAPI Data), một nhà xuất bản số liệu nhân chủng học và nghiên cứu chính sách về người Mỹ gốc Á và các đảo quốc Thái Bình Dương, có đến 44,7% người gốc Hoa sử dụng tiếng Trung Quốc tại gia đình không thành thạo về tiếng Anh. Trong khi đó những thông điệp, bài viết đăng trên WeChat không hề nhắc đến khoản nợ mà chiến dịch tranh cử của ông Trump đang phải gánh hay sự xuất hiện của PAC.
Theo phân tích của ông Shao, người Hoa sống ở California là số đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Trump tính từ đầu năm 2019 đến 10/2020. Kế đến là cộng đồng người Hoa ở New York, Texas và Washington. “Những cử tri tiếp cận thông tin, bài viết trên WeChat ở vào tình cảnh không thể độc lập trong chuyển ngữ nội dung; vốn ngôn ngữ tiếng Anh của họ hạn chế và không đủ khả năng để xác minh dữ kiện, thông tin. Vì vậy, họ nghĩ rằng tiền ủng hộ sẽ được dùng vào việc hỗ trợ kiểm phiếu lại”, ông Shao bình luận.
Theo Sunny Shao, số cử tri gốc Hoa trung thành với ông Trump có niềm tin mù quáng vào cách thức tổng thống Mỹ sẽ sử dụng số tiền quỹ này. Họ mặc nhiền thừa nhận “ông ấy là người hiểu rõ nhất nên dùng vào việc gì”. Thế nhưng một bộ phận cử tri bảo thủ gốc Hoa từng bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016 giờ đã chuyển hướng, đẩy cộng đồng người Mỹ gốc Hoa phân hóa thành ba nhánh: Người trung thành với ông Trump, số ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng “tuyệt đối không phải ông Trump” và nhóm cử tri độc lập.
“Đến lúc này, kết quả bầu cử cơ bản đã rõ ràng. Nhưng số trung thành với ông Trump lại đại tìm cách đẩy tình hình theo hướng bất trắc hơn, khiến mọi người sống trong sợ hãi và lo âu. Tôi nghĩ hành động của họ chỉ nới rộng chia rẽ xã hội”, Wu Yiping, 58 tuổi, một thủ lĩnh cộng đồng tại Long Island, New York và từng là người ủng hộ ông Trump năm 2016 nhưng năm nay lại chọn ứng cử viên độc lập, bày tỏ quan điểm.
Cùng chung nhận định này, Cliff Li – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia người Mỹ gốc Á đảng Cộng hòa (Asian GOP), người năm nay chuyển sang ủng hộ ông Biden, cảnh báo bất chấp kết quả bầu cử ra sao, “chủ nghĩa Trump vẫn tồn tại dai dẳng và đó là điều đáng lo ngại”.
Hồ sơ chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ được công bố vào đầu tháng 12 tới, qua đó thể hiện phần nào những khoản nợ mà ông Trump và ê kíp đang phải gánh. Nhưng chưa cần đến lúc đó, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về độ minh bạch trong cách thức sử dụng quỹ kiểm phiếu lại.
Các chiến dịch tranh cử kết thúc trong tình trạng nợ nần và ứng cử viên phải sử dụng các khoản đóng góp để trả nợ không phải là hiếm gặp, nhưng kêu gọi gây quỹ để kiểm phiếu lại nhằm thu tiền về, trang trải nợ nần là điều không nên làm.
"Tôi chưa bao giờ thấy một ứng viên Tổng thống nào, kể cả họ là Tổng thống đương nhiệm, sử dụng những lời kêu gọi gây quỹ gây hiểu lầm để trả khoản nợ đó", ông Brendan Fischer - chuyên gia cải cách liên bang tại Trung tâm Vận động luật pháp Mỹ cho biết.