Đằng sau chuyến công du châu Á của Thái tử Saudi Arabia

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã có chuyến công du một số quốc gia châu Á với nhiều sự kiện và thỏa thuận nhằm nuôi dưỡng giấc mơ cải tổ nền kinh tế nước nhà sau khi Riyadh “nguội lạnh” quan hệ với phương Tây.

Chú thích ảnh
Thái tử Mohammad bin Salman gặp gỡ Thủ tướng chủ nhà Imran Khan trong chuyến thăm Pakistan. Ảnh: AFP

Ngày 18/2, Thái tử Mohammed bin Salman đã kết thúc chuyến thăm hai ngày đến Pakistan với kết quả là các thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD. Chặng dừng chân tiếp theo của Thái tử Saudi Arabia là Ấn Độ. Từ ngày 20/2, Thái tử Mohammed bin Salman đã đến thăm New Delhi. Sau Ấn Độ, dự kiến Thái tử Mohammed bin Salman đến thăm Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Saudi Arabia.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là hai khách hàng mua dầu mỏ hàng đầu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thái tử Mohammed bin Salman không chỉ xoay quanh nhiên liệu. Thái tử Mohammed bin Salman đến châu Á với nhiều kỳ vọng về chủ trương của ông là đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia, tránh tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ.

Thái tử Mohammed bin Salman từng đề xuất kế hoạch mang tên “Tầm nhìn 2030” trong đó hướng tới giảm tỷ lệ thất nghiệp, phát triển lĩnh vực tư nhân đồng thời đẩy mạnh các trung tâm du lịch, công nghiệp và giải trí tại Saudi Arabia trong thập niên tới.

Nhà phân tích Rabia Yasmeen tại tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh) nhận định: “Xét về thời điểm, chuyến thăm của Thái tử Mohammed bin Salman tới châu Á mang tầm quan trọng địa chiến lược và kinh tế xã hội, vốn là những nội dung then chốt trong Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia”.

“Chuyến thăm này còn giúp Thái tử tạo điều kiện phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với chính phủ các quốc gia châu Á đồng thời cải thiện hình ảnh về Saudi Arabia”, bà Rabia Yasmeen bổ sung.

Chú thích ảnh
Thái tử Saudi Arabia và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Getty Images

Kênh CNN (Mỹ) cho biết hình ảnh của Saudi Arabia nói chung và Thái tử Mohammed bin Salman nói riêng đã phần nào bị ảnh hưởng sau lùm xùm liên quan tới cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2/2018. Tình báo Mỹ cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman có liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi trong khi đó chính quyền Saudi Arabia một mực bác bỏ cáo buộc này.

Căng thẳng quanh cái chết của nhà báo Khashoggi đã ít nhiều gây ảnh hưởng tới kinh tế Saudi Arabia. Hội thảo về đầu tư do Thái tử Saudi Arabia tổ chức tại Riyadh tháng 1 năm nay đã không nhận được hưởng ứng như mong đợi từ các doanh nghiệp phương Tây.

Trong khi đó, mối quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Saudi Arabia lại theo chiều hướng đi lên tích cực. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng 10% trong năm 2018 đạt 27,5 tỷ USD. Ấn Độ nhập khẩu 17% dầu thô của Saudi Arabia. Khoảng 3 triệu công dân Ấn Độ hiện đang sinh sống và làm việc tại Saudi Arabia.

Dưới đây là video máy bay chở Thái tử Saudi Arabia hạ cánh tại Trung Quốc (nguồn: AFP)

Về phần Trung Quốc, đây cũng là một quốc gia có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Saudi Arabia. Khoảng 70% dầu thô của Saudi Arabia được xuất khẩu đến các quốc gia châu Á. Trong năm 2018, 15% dầu thô Trung Quốc nhập khẩu có nguồn gốc từ Saudi Arabia.

Năm 2017, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã đến thăm Trung Quốc. Đây là thời điểm châu Á gia tăng nhu cầu về dầu mỏ.

Saudi Arabia còn hy vọng thu hút thêm nhiều du khách từ Trung Quốc. Phát triển du lịch là một nội dung nhận được nhiều ưu tiên trong chương trình chuyển đổi kinh tế của Saudi Arabia.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ashitaba - Loại lá thần dược của các võ sĩ samurai Nhật Bản
Ashitaba - Loại lá thần dược của các võ sĩ samurai Nhật Bản

Các nhà khoa học kết luận loại lá cây samurai Nhật Bản thường ăn trong quá khứ trên thực tế nắm giữ bí mật trong việc chống lão hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN