Theo hãng tin AFP, dãy số này mang một thông điệp thiện chí gửi tới Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó dãy số hiển thị các mốc thời gian quan trọng của quan hệ liên Triều.
Chiếc áo khoác xanh đen được mặc trên mình 10 nhân viên thuộc Văn phòng An ninh Quốc gia Nhà Xanh in dãy số 12 ký tự "615104427919" đằng sau lưng.
Các nhà phân tích giải mã: con số 615 đánh dấu ngày mà hai miền Triều Tiên ký Tuyên bố chung ngày 15/6/2000; 104 tượng trưng cho Tuyên bố chung hai miền Triều Tiên ký vào ngày 4/10/2007; 427 là ngày ra đời của Tuyên bố Panmunjom lịch sử – 27/4/2018; và cuối cùng 919 tượng trưng cho Tuyên bố chung Bình Nhưỡng vào ngày 19/9 vừa qua.
“Chúng tôi chỉ hy vọng duy trì được tinh thần lạc quan như thế này. Chúng tôi nhận được chỉ đạo và tình nguyện mặc những chiếc áo này tại nơi làm việc”, một nhân viên an ninh mặc bộ đồ cho biết.
"Chúng tôi muốn có những con số này được may ở phần lưng của áo khoác để nhớ những mốc thời gian quan trọng và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo", người nhân viên giấu tên cho biết thêm.
Anh tiết lộ một trong những đồng nghiệp đã nảy ra ý tưởng nói trên, trình bày trong một cuộc họp và những người khác đồng ý.
Người phát ngôn của Nhà Xanh từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi liệu động thái mặc áo của các quan chức trên có liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 hay không.
Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được cải thiện đáng kể sau 3 cuộc gặp trong năm ngoái giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong đó hai lần gặp diễn ra ở làng đình chiến Panmunjom và một lần diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng vào năm ngoái, Chủ tịch Triều Tiên hứa sẽ tới thăm thủ đô Seoul. Tại thời điểm đó, Tổng thống Moon đã hoan nghênh ý tưởng của người đồng cấp Triều Tiên, nhất trí hai nhà lãnh đạo nên gặp nhau "thường xuyên hơn" trong năm 2019.
Nếu đến thăm như dự kiến trong năm nay, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân đến Seoul kể từ khi hai nước chia tách từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ II.