Hà Nội, Bangkok (Thái Lan) và Hawaii (Mỹ) là 3 địa điểm tiềm năng mà Mỹ và Triều Tiên cân nhắc lựa chọn để làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Tuy nhiên, thủ đô Việt Nam đã vượt lên trước hai ứng viên để trở thành sự lựa chọn cuối cùng của hai nước tổ chức hội nghị vào 27-28/2 tới.
Theo báo Bangkok Post, xét về khoảng cách địa lý và thời gian thích hợp diễn ra chuyến thăm, Hawaii bị gạt ra đầu tiên trong bảng danh sách. Chỉ còn lại Hà Nội và Bangkok là hai ứng viên “ngang tài ngang sức”. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí lên mức báo động và tình hình chính trị bất ổn đã khiến Bangkok để vuột mất cơ hội tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2.
Video Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (nguồn: MSNBC):
Nhà bình luận Kavi Chongkittavorn – tác giả bài viết “Vì sao Hà Nội được chọn?” đăng trên tờ Bangkok Post ngày 12/2 – cho biết thoạt nhìn Thái Lan và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng.
Đầu tiên, đây là hai quốc gia hoạt động tích cực cả trong cộng đồng khu vực lẫn quốc tế dưới vai trò là một thành viên Đông Nam á. Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 1/1/2020. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng là thành viên duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được đề cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Trong khi đó, Thái Lan lại có tiềm năng làm thành viên trong Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ trong giai đạn 2020-2022.
Thứ hai, cả hai quốc gia Đông Nam Á này cùng có mối quan hệ hữu nghị với cả các bên liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Triều Tiên cũng có Đại sứ quán tại cả Hà Nội và Bangkok.
Thứ ba, Hà Nội và Bangkok cùng chung múi giờ và khoảng cách bay từ Bình Nhưỡng tới hai thành phố thủ đô này không cách biệt nhau là mấy, với chỉ hơn 3 giờ bay.
Thứ tư, thủ đô của hai quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời, cung cấp địa điểm phục vụ tốt cho các sự kiện quốc tế, cũng như có đủ kinh nghiêm ngoại giao để tổ chức các cuộc hội nghị cấp cao.
Tuy nhiên, ba nhân tố then chốt được nêu ra dưới đây đã giúp Việt Nam chiến thắng trước Thái Lan khi được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đó là tình hình chính trị bất ổn, ô nhiễm không khí tại Bangkok và mô hình kinh tế phát triển của Việt Nam.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan tuyên bố tổng tuyển cử vào 24/3 trong một động thái làm dịu các nguy cơ biểu tình đường phố, song vẫn xuất hiện lo ngại chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha có thể hoãn tổ chức. So sánh với Bankok, Hà Nội được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn cho công tác đảm bảo an ninh. Không hề có bất kỳ cuộc biểu tình nào ghi nhận trong khi diễn ra các sự kiện thượng đỉnh quốc tế tại Việt Nam.
Không chỉ có vậy, chỉ số bụi độc PM2.5 cao ngất ngưởng tại Bangkok trong một vài tuần trở lại đây cũng khiến thủ đô Thái Lan không còn giữ được hình ảnh hiếu khách, hấp dẫn vốn có. Tác giả Kavi cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chắc hẳn cũng không hề quen với chất lượng không khí như vậy và không ai muốn họ phải đeo khẩu trang bảo vệ.
Lý do cuối cùng khiến Việt Nam được lựa chọn chính là vì mô hình phát triển kinh tế vượt bậc trong hơn 3 thập kỷ qua. Tác giả Kavi lý giải hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của khu vực Đông Nam Á.
Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chứng minh sự tiến bộ và hiện đại hóa của Việt Nam là một hình mẫu mà Triều Tiên có thể noi gương. Theo tác giả Kavi, rất có thể việc bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam của Tổng thống Trump muốn bắn tín hiệu cho Triều Tiên thấy tình hữu nghị và sự hợp tác với Mỹ sẽ cho ra những kết quả tốt đẹp.
Việt Nam chính là địa điểm hội tụ các điều kiện tốt nhất để Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc gặp thứ 2 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. Với những tiến bộ đáng kể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa, Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội cũng có thể đặt nền tảng cho Triều Tiên tiến vào vòng quay của cộng đồng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời mang lại hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Vì Triều Tiên là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN và là bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, các quốc gia Đông Nam Á có thể hỗ trợ Triều Tiên làm quen với mọi mặt trong công tác hội nhập khu vực.