Mạng "Báo cáo Tình báo Hàng ngày" (Mỹ) mới đây cho biết để lợi dụng sự dính líu của Mỹ ở Trung Đông, đầu năm nay giáo sĩ hàng đầu của al-Qaeda, Shaykh Abu Yahya al-Libi đã đề ra một chiến lược mới có tên: "Yêmen đối với Mỹ: Tôi tự hiến thân cho mục đích của các ngài" nhằm tạo ra một cách nhìn mới về cách tiếp cận của al-Qaeda đối với Mỹ ở Yêmen.
Lực lượng khủng bố Al-Qaeda.Ảnh: Internet |
Giáo sĩ al-Libi cho biết nếu tiếp tục khiêu khích, Mỹ có thể hành động mạnh mẽ, do đó al-Qaeda phải tìm cách can thiệp trong nội bộ Yêmen và làm cho người dân xa lánh chính phủ, để từ đó tạo thế lực cho al-Qaeda trên chính trường Yêmen. Khác với mục tiêu năm 2001 là xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông, lần này al-Qaeda đề ra mục tiêu mới là lôi kéo Mỹ vào công việc nội bộ của Yêmen càng nhiều càng tốt để người dân Yêmen nghĩ rằng chính phủ của họ trở thành bù nhìn của Mỹ.
Các phong trào bạo lực trong thế giới Hồi giáo đã và đang tìm cách lật đổ các chính phủ Arập nhiều thập kỷ qua. Thất vọng trước những thất bại liên liếp, Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri và giới lãnh đạo cấp cao al-Qaeda cho rằng cần phải tìm cách xóa bỏ sự ủng hộ quân sự của Mỹ trước khi lật đổ các chế độ Arập. Do đó, al-Qaeda chuyển chiến lược từ đánh vào các chính phủ Arập, kẻ thù "gần", sang chiến lược mở một số cuộc tiến công mạnh mẽ vào kẻ thù "xa" để làm giảm quyết tâm của Nhà Trắng trong việc ủng hộ các chế độ.
Nhưng do Mỹ ngày càng can dự nhiều hơn vào khu vực như phát động hai cuộc chiến tranh và tham gia hợp tác chống khủng bố rộng rãi, al-Qaeda nhận ra rằng ý đồ cắt đứt các mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Arập khó có thể thực hiện. Do đó, al-Qaeda đề ra một kế hoạch mới tìm cách thúc đẩy sự can dự ngày càng tăng của Mỹ ở Trung Đông với mục đích “dụ dỗ” Mỹ tăng cường cam kết trong khu vực và sau đó sử dụng sự dính líu của Mỹ với các chính phủ Arập để chống lại các chính phủ này.
Chiến lược do Abu Yahya đề ra được dựa trên hai cơ sở về Mỹ. Thứ nhất, Mỹ bị ám ảnh bởi bóng ma của chủ nghĩa khủng bố. Một phần do trạng thái tâm lý của Mỹ là muốn bảo vệ nước mình không bị al-Qaeda tấn công. Nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tung tiền để bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tấn công khủng bố. Thứ hai là Mỹ không thể đưa lực lượng quân sự đến Yêmen như ở Ápganixtan và Irắc vì kinh tế Mỹ giảm sút, quân đội mệt mỏi và đa số công chúng Mỹ không sẵn sàng bỏ mạng hơn nữa trong khu vực.
Thay vào đó, Mỹ chỉ có sự lựa chọn duy nhất là đổ nhiều tiền bạc cho quân đội Yêmen để họ săn lùng al-Qaeda thay Mỹ. Khó khăn của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm là chính quyền Obama càng tuyên bố ủng hộ chế độ Yêmen bao nhiêu, sự tin tưởng và tính độc lập của chính phủ trong con mắt người dân càng ít bấy nhiêu, đặc biệt khi Mỹ ép chính phủ Yêmen làm những việc mất lòng dân. Khi chính phủ Yêmen cố gắng hành động để làm hài lòng Mỹ, rõ ràng họ phải từ bỏ những người ủng hộ và cuối cùng sụp đổ, để đất nước rơi vào tay một cuộc cách mạng của al-Qaeda.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)