Theo tờ National Geographic, câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố và yếu tố quan trọng nhất tùy thuộc vào bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Sau nhiều tháng có tín hiệu khả quan, số ca mắc COVID-19 mới tăng mạnh trong tháng 7 trên toàn cầu đã dập tắt tia hy vọng nhân loại đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Hồi tháng 5, số ca mắc COVID-19 giảm khắp nước Mỹ, ở nhiều khu vực châu Âu và Trung Đông khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng. Các nước nới lỏng biện pháp chống dịch và các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, ít nhất là ở Mỹ, người dân và giới chính trị gia ăn mừng chưa được bao lâu. Tới tháng 7, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này chững lại và biến thể Delta lan mạnh khắp nước, buộc giới chức y tế phải khuyến nghị đeo khẩu trang trở lại và kêu gọi tăng tỷ lệ tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch ngày 11/3/2020. Sau 17 tháng hỗn loạn và tang thương, nhiều người tự hỏi: Khi nào đại dịch sẽ kết thúc?
Bà Rachael Piltch-Loeb, nhà nghiên cứu tại khoa y tế công cộng T.H.Chan tại Đại học Harvard, nhận định: “Ngay cả trong cộng đồng khoa học, bạn sẽ nhận được câu trả lời thực sự khác nhau. Không có định nghĩa nào về kết thúc đại dịch là như thế nào”.
Theo định nghĩa, đại dịch là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Bà Piltch-Loeb nói: “Dỡ bỏ một số biện pháp phòng chống dịch khiến mọi người có cảm giác đại dịch đang giảm dần. Điều này khiến nhiều người không nhận thấy thực tế trên toàn thế giới. Virus này sẽ không biến mất cho tới khi nó được kiểm soát hoặc bị hạn chế trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là tuyên bố đại dịch kết thúc có thể mà mục tiêu xa xôi, cần các điều kiện khác nhau”.
Dịch bệnh sẽ đi đâu?
Theo WHO, khi một căn bệnh lây lan toàn cầu được kiểm soát ở một khu vực cục bộ, nó không còn là đại dịch mà sẽ là dịch bệnh. Nếu COVID-19 tồn tại trên toàn cầu ở mức độ bình thường hoặc theo dự báo, WHO sẽ coi căn bệnh này là bệnh địa phương.
Theo ông Saad Omer, nhà dịch tễ học tại khoa y tế toàn cầu thuộc Đại học Yale, tại giai đoạn đó, SARS-CoV-2 sẽ trở thành virus gây ít hậu quả hơn khi con người hình thành miễn dịch.
Trong lịch sử, chỉ có hai căn bệnh ảnh hưởng tới con người và động vật từng bị xóa sổ: đậu mùa và dịch tả trâu bò. Trong cả hai trường hợp, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu ồ ạt đã giúp chặn đứng ca mắc mới. Lần xuất hiện ca bệnh dịch tả trâu bò gần đây nhất là năm 2001 ở Kenya. Còn ca đậu mùa gần đây nhất là ở Anh năm 1978.
Ông Joshua Epstein, Giáo sư dịch tễ tại Đại học New York cho rằng xóa sổ một loại bệnh là chuyện hiếm tới mức từ này cần bị loại bỏ khỏi từ vựng về dịch bệnh. Ông nói: “Dịch bệnh lùi lại, chỉ xuất hiện ở động vật hoặc đột biến ở mức độ thấp, nhưng dịch bệnh không biến mất khỏi quần xã sinh vật toàn cầu theo nghĩa đen”.
Phần lớn nguyên nhân của các đại dịch trước đây đều vẫn tồn tại ngày nay. Trên 3.000 người nhiễm loại vi khuẩn gây cả bệnh dịch hạch và viêm phổi từ năm 2010 tới năm 2015. Virus gây đại dịch cúm năm 1918 tàn phá toàn cầu, khiến 50 triệu người chết, cuối cùng đã biến thành loại virus bớt độc tính hơn và các “hậu duệ” của virus này trở thành các chủng cúm mùa ngày nay.
Như dịch cúm năm 1918, có thể SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi và hệ miễn dịch con người cuối cùng sẽ thích ứng để chống chọi mà không cần vaccine, nhưng trước khi đạt được điều đó, sẽ có rất nhiều người mắc bệnh và chết. Ông Omer cho rằng hình thành miễn dịch kiểu trả giá đắt này không phải là giải pháp mong muốn. Cách an toàn hơn là chặn tốc độ dịch bệnh lây lan và quản lý hậu quả. Ví dụ diệt côn trùng và giữ gìn vệ sinh để tránh dịch bệnh, chữa trị ca bệnh bằng kháng sinh.
Với các loại bệnh khác, như cúm, vaccine có thể tạo khác biệt. Các vaccine COVID-19 hiện nay an toàn và hiệu quả cao, có nghĩa là khi có đủ số người được tiêm chủng thì đại dịch này có thể kết thúc nhanh hơn, ít người chết hơn.
Tại sao cần tiêm vaccine cho tất cả?
Các chuyên gia đều nhận định chúng ta chỉ an toàn khi tất cả an toàn trước COVID-19. Thứ khiến con người an toàn trước COVID-19 chính là vaccine.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước vừa nhắc lại mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho ít nhất 10% dân số mọi quốc gia vào tháng 9 tới, tiêm chủng cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.
Tính tới nay, mới có 28% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Phân phối vaccine vẫn mất cân bằng nghiêm trọng.
Khi có nhiều cơ hội lây lan và đột biến, SARS-CoV-2 đã phát triển thành các biến thể mới không chỉ lây lan dễ hơn mà còn lẩn tránh miễn dịch tốt hơn. Biến thể Dela là loại lây nhanh nhất hiện nay.
Theo ông Michael Osterholm tại Đại học Minnesota, tính chất phức tạp của cuộc chiến chống virus đột biến nhanh SARS-CoV-2 có nghĩa là đôi khi con người phải tiến hai bước và lùi một bước.
Ai sẽ quyết định dịch bệnh kết thúc?
Còn có một lựa chọn nữa. Người dân sẽ coi như đại dịch đã kết thúc, trước khi cơ quan chức năng tuyên bố.
Điều này đã từng xảy ra. Dịch cúm 1918 xảy ra vào Thế chiến 1 và khi chiến tranh kết thúc, người ta muốn bỏ lại cả thập kỷ đó phía sau và hướng tới tương lai mới. Người dân bước vào những năm 1920 bùng nổ, bất chấp cúm vẫn hoành hành khắp nước Mỹ.
Nếu xã hội muốn tuyên bố đại dịch chấm dứt trước giới khoa học, chúng ta sẽ phải chấp nhận hậu quả nghiêm trọng: nhiều người chết. Đó là điều xảy ra với các đại dịch trước đây. Cúm không còn bị coi là đại dịch và giờ là dịch bệnh địa phương, nhưng mỗi năm có 12.000 tới 61.000 người Mỹ chết vì cúm.
Jagpreet Chhatwal, nhà khoa học tại Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts, nói: “Nếu chúng ta có thể giảm ca tử vong xuống một mức nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, người ta có thể nói đại dịch đã kết thúc”.
Một lần nữa, vaccine lại đóng vai trò quan trọng. Số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã giảm xuống ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Trên quy mô toàn quốc, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ có hướng dẫn khi đại dịch trở thành dịch bệnh địa phương tại Mỹ. Điều này sẽ giúp Mỹ trở lại cuộc sống bình thường ở mức độ nào đó, chất chấp tình trạng toàn cầu ra sao.