Chính sách ‘không khoan nhượng với COVID-19’ của Trung Quốc có hiệu quả trước biến thể Delta?

Khi biến thể Delta lan rộng ra ít nhất 18 tỉnh thành, Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế khó xử mới: liệu chiến lược “không khoan nhượng với COVID-19” đã từng thành công của quốc gia này có phát huy hiệu quả?

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm axit nucleic cho người dân ở thành phố Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc hôm 4/8. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo trang The Guardian (Anh), không giống như Anh và Singapore, những quốc gia đang “học cách sống chung với COVID-19”, Trung Quốc vẫn chưa chính thức thay đổi thông điệp đối phó với dịch bệnh của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia đang tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với chiến lược "không quan nhượng với COVID-19" của quốc gia này, vì rõ ràng dịch bệnh sẽ không sớm biến mất và biến chủng Delta nguy hiểm hơn. Tuần trước, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Zhang Wenhong, đã phân tích trong một bài luận về sự cần thiết khi áp dụng “khôn ngoan” chiến lược chung sống lâu dài với COVID-19.

Ông Zhang cho biết đợt bùng phát gần đây ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, nên được coi là bài thử nghiệm cho tương lai ứng phó với đại dịch của nước này.

“Dữ liệu cho chúng ta biết rằng trong tương lai, ngay cả khi tất cả mọi người đều được tiêm phòng, COVID-19 vẫn luôn tồn tại, nhưng ở mức độ thấp hơn với tỷ lệ tử vong thấp hơn. Sau khi vaccine được tiêm rộng rãi, vẫn sẽ xuất hiện những ca nhiễm trong tương lai”, ông viết.

Chưa đầy một tuần sau khi bài luận của ông Zhang được xuất bản, biến thể Delta đã lan rộng đến hơn một nửa trong số 31 tỉnh của Trung Quốc, khiến các tuyến đường đi lại phải ngừng hoạt động. Hôm 4/8, Trung Quốc đã ghi nhận thêm 96 trường hợp mắc COVID-19 mới, 71 trong số đó là ca lây nhiễm cộng đồng. Các khu dân cư, bao gồm cả nơi sinh sống của trên 10.000 dân ở thủ đô Bắc Kinh, đã bị phong tỏa để triển khai xét nghiệm hàng loạt. Tại Vũ Hán, nơi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2019, COVID-19 đã quay trở lại, các nhà chức trách cũng đã bắt đầu chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân.

Chú thích ảnh
Người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 gần một biểu ngữ có dòng chữ "Dịch bệnh là mệnh lệnh" ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc Ảnh: AP

Trên thực tế, cuộc tranh luận về chiến lược “không khoan nhượng với COVID-19” của Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian. Năm ngoái, Wang Liming, giáo sư tại Đại học Chiết Giang đã kêu gọi chính phủ điều chỉnh tư duy thời chiến “nhổ tận gốc” này.

“Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng COVID-19 sẽ tồn tại trong thời gian dài và nó sẽ cùng chung sống với con người. Do đó chúng ta cần từ bỏ các KPI không thực tế, như việc ‘nhổ tận gốc’ COVID-19 trong ngắn hạn,” Wang viết .

Trong 12 tháng qua, khi các quốc gia trên thế giới phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, phương pháp tiếp cận"không khoan nhượng với COVID-19" của Trung Quốc đã giúp người dân sống một cuộc sống an toàn, phần lớn không có ca mắc. Dù vẫn ghi nhận các ca nhiễm lẻ tẻ ở nhiều khu vực trên đất nước, nhưng đều đã được chính phủ ngăn chặn nhanh chóng.

Thành công của Trung Quốc - bao gồm cả thành tựu tăng trưởng kinh tế, khi hầu hết các quốc gia khác phải trải qua những đợt suy thoái mạnh - cũng cho thấy cách đối phó với COVID-19 của nước này vượt trội hơn so với các quốc gia phương Tây. 

Trong cuộc họp tại trường đảng trung ương vào đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: “Đánh giá về cách đối phó với đại dịch COVID-19 của các cấp lãnh đạo và hệ thống chính trị khác nhau trên toàn thế giới, chúng ta có thể thấy rõ ai đã làm tốt hơn”.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm chủng COVID-19 tại điểm tiêm chủng ở sân vận động ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Trên thực tế, chiến lược chống dịch này gắn liền với hiệu quả hoạt động của giới chức địa phương. Hôm 31/7, bà Fu Guirong, Giám đốc Ủy ban Y tế Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã bị cách chức sau khi thành phố ghi nhận một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Năm ngoái, bà Fu đã được trao giải thưởng quốc gia vì đóng góp cho nỗ lực chống dịch của đất nước. 

Theo các chuyên gia, tư duy của Bắc Kinh là duy trì các ca mắc mới ở mức thấp nhất có thể trong khi triển khai chương trình tiêm chủng đại trà.  Tuy nhiên, ông Huang Yanzhong, chuyên gia nổi tiếng về sức khỏe cộng đồng Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho rằng chính sách “ không khoan nhượng với COVID-19” của Trung Quốc đang giảm dần hiệu quả và chi phí thực hiện chính sách này ngày càng cao.

“Bạn có thể duy trì chính sách này trong một năm, nhưng vì COVID-19 sẽ tồn tại trong một thời gian dài, bạn có thể thực hiện nó trong 2 năm, 3 năm hay 4 năm không? Và với chi phí nào? ”, ông Huang nói.

Chú thích ảnh
Các y tá lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở quận Giang Ninh, Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Dù chiến lược hiện tại của Trung Quốc vẫn còn tồn tại một số thiếu sót, song các chuyên gia khác cho rằng việc Bắc Kinh thay đổi chiến lược chống dịch trong một sớm một chiều là điều khó thực hiện.

“Trung Quốc quá lớn để có một bước ngoặt nhanh chóng. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng phải từ từ và từng bước nhỏ một”, Giáo sư Jin Dong-Yan tại Trường khoa học y sinh của Đại học Hong Kong nói.

Blogger sức khỏe A’bao nhận định: “Nhiều người đang lên tiếng cho rằng chúng ta đang phải trả cái giá quá cao cho “chính sách không khoan nhượng với COVID-19”. Chúng ta nên từ bỏ chính sách này và học cách chung sống với nó. Tôi nghĩ câu trả lời là không. Con người chúng ta chắc chắn sẽ cùng tồn tại lâu dài với COVID-19. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có lòng dũng cảm, quyết tâm, tuân thủ và hy sinh như Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã phải trả chi phí đắt cho “chính sách không khoan nhượng”, nhưng nó cũng đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của COVID-19 đến cuộc sống của chúng ta”.

Trái ngược với cảnh báo được nhiều nhà khoa học chia sẻ, Giáo sư Jin cho rằng hiện tại, sự lây lan của biến thể Delta ở Trung Quốc là "rất hạn chế" và "cần được kiểm soát sớm". Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang phải đối mặt với câu hỏi lớn hơn nhiều, đó là ngay cả khi các nhà chức trách kiểm soát được tình hình hiện tại, thì khi nào họ sẽ mở lại biên giới của mình?

Hải Vân/Báo Tin tức
Trên 2.200 người mắc COVID-19 sau lễ hội âm nhạc ở Tây Ban Nha
Trên 2.200 người mắc COVID-19 sau lễ hội âm nhạc ở Tây Ban Nha

Tổng cộng có 2.279 người tham dự ba lễ hội âm nhạc ở vùng Catalonia, Tây Ban Nha, tháng trước đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN