Các ứng viên tranh cử Tổng thống Hàn Quốc (từ trái sang): Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP), Kim Moon-soo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP), Lee Jun-seok của đảng Cải cách mới (NRP) và Kwon Young Kook của đảng Lao động Dân chủ. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Bình luận với cổng phân tích thông tin News.az của Azerbaijan ngày 25/5, Vusal Guliyev, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Quan hệ Quốc tế (AIR Center) có trụ sở tại Baku cho rằng Hàn Quốc đang trải qua một trong những giai đoạn chính trị mang tính quyết định nhất trong lịch sử dân chủ hiện đại, sau vụ luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vào tháng 4/2025. Sự kiện này, bắt nguồn từ tuyên bố gây tranh cãi về tình trạng khẩn cấp vào tháng 12/2024, đã đẩy các thể chế dân chủ của quốc gia vào tình trạng căng thẳng chưa từng có. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Cuộc khủng hoảng bùng phát do sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng đối với cách tiếp cận của Tổng thống Yoon. Đỉnh điểm là quyết định áp đặt thiết quân luật dưới chiêu bài giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia. Động thái này đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ các nhóm xã hội dân sự trong nước, bị coi là vi phạm các chuẩn mực hiến pháp. Các cuộc biểu tình rầm rộ và phản ứng quyết liệt từ phe đối lập đã thúc đẩy hành động lập pháp nhanh chóng, dẫn đến việc Quốc hội luận tội Tổng thống Yoon.
Theo chuyên gia Guliyev, cuộc luận tội không chỉ là một quá trình pháp lý mà còn là một phép thử cơ bản đối với hệ thống dân chủ của Hàn Quốc. Dù cơ quan tư pháp và lập pháp đã chứng minh được năng lực kiểm soát sự can thiệp quá mức của cơ quan hành pháp, sự kiện này cũng phơi bày sự phân cực chính trị sâu sắc. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi một số thành viên nội các cấp cao, bao gồm cả Thủ tướng, đột ngột từ chức, tạo ra một khoảng trống lãnh đạo tạm thời trong thời điểm bất ổn quốc gia.
Sau khi luận tội, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đã nhậm chức quyền Tổng thống Hàn Quốc. Việc bổ nhiệm ông được xem là một biện pháp ổn định, nhằm giám sát quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc hướng tới các cuộc bầu cử tổng thống khẩn cấp. Nhiệm vụ chính của ông là đảm bảo một quá trình bầu cử minh bạch, an toàn và đáng tin cậy. Khả năng duy trì sự ổn định hành chính của ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục lòng tin của công chúng và ngăn chặn khủng hoảng tiếp theo.
Cuộc đua song mã định hình tương lai
Được lên lịch vào ngày 3/6, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới không chỉ là một hoạt động thủ tục mà còn là một cuộc trưng cầu dân ý quan trọng về hướng đi tương lai của chính trị Hàn Quốc. Dù có 6 ứng cử viên đang tranh cử, cuộc đua đã thu hẹp lại thành hai nhân vật nổi bật với tầm nhìn hoàn toàn khác biệt cho đất nước.
Lee Jae-myung, đại diện cho Đảng Dân chủ trung tả, được xem là một nhà kỹ trị với tư tưởng cải cách. Ông xây dựng danh tiếng chính trị dựa trên những cam kết về công bằng kinh tế và phát triển khu vực. Chiến dịch hiện tại của ông tập trung vào phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, thúc đẩy các sáng kiến về trí tuệ nhân tạo (AI) và theo đuổi một chính sách đối ngoại tự chủ, cân bằng hơn. Sự nhấn mạnh của ông vào các cải cách hướng tới tương lai đã nhận được sự ủng hộ từ các cử tri trẻ tuổi và giới chuyên gia thành thị, những người đang mất niềm tin vào cơ sở chính trị truyền thống.
Ngược lại, Kim Moon-soo, ứng cử viên bảo thủ hàng đầu, thu hút cử tri theo chủ nghĩa truyền thống của Hàn Quốc. Là người ủng hộ trung thành cho an ninh quốc gia, cương lĩnh của ông ưu tiên hiện đại hóa quân đội, tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ và triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để ngăn chặn các mối thách thức từ Triều Tiên và Trung Quốc. Dù ban đầu đề cử của ông gặp phải tranh chấp nội bộ đảng, nhưng ông Kim đã củng cố vị thế của mình trong số các cử tri bảo thủ, đặc biệt ở các vùng nông thôn và trong các thế hệ lớn tuổi, bằng cách định vị mình là người ủng hộ sự ổn định và an ninh.
Do đó, kết quả của cuộc bầu cử trên sẽ không chỉ định hình bối cảnh chính trị trong nước của Hàn Quốc mà còn cả chính sách đối ngoại của nước này trong bối cảnh bất ổn khu vực gia tăng. Dưới thời Tổng thống Yoon, Hàn Quốc đã áp dụng lập trường ủng hộ Mỹ quyết đoán hơn, củng cố hợp tác ba bên với Nhật Bản và Mỹ trong khi vẫn giữ khoảng cách với Trung Quốc.
Một chiến thắng cho ông Lee Jae-myung có thể thay đổi quỹ đạo này, mở đường cho một cách tiếp cận ngoại giao được cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhằm xoa dịu căng thẳng trong khu vực và đa dạng hóa các quan hệ đối tác chiến lược. Ngược lại, chính quyền Kim Moon-soo dự kiến sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Washington, liên kết chặt chẽ hơn với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cách tiếp cận này có khả năng gây căng thẳng cho quan hệ với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Điều khiến cho bước ngoặt chính trị này trở nên quan trọng không chỉ là quá trình chuyển giao quyền lực mà còn là những câu hỏi rộng hơn mà nó đặt ra về sức mạnh và tính bền vững của các thể chế dân chủ của Hàn Quốc. Việc luận tội một tổng thống đương nhiệm, sự gián đoạn hành chính sau đó và môi trường bầu cử phân cực sâu sắc đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về cải cách và khả năng phục hồi của thể chế. Tuy nhiên, việc theo đuổi một cách hòa bình trách nhiệm pháp lý và chuẩn bị cho một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ cũng làm nổi bật sức mạnh bền bỉ của nền tảng dân chủ của Hàn Quốc.
Khi các cử tri Hàn Quốc chuẩn bị bỏ phiếu, nhiều câu hỏi đang nổi lên: Liệu Hàn Quốc có tái khẳng định cam kết của mình đối với các nguyên tắc dân chủ tự do hay chuyển sang mô hình quản trị bảo thủ, hướng đến an ninh hơn? Cuộc bầu cử sẽ khôi phục lòng tin vào các thể chế công hay làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ định hình không chỉ tương lai của Hàn Quốc mà còn cả vai trò của nước này trong một khu vực đang thay đổi liên minh và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.
Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (koreatimes.co.kr) ngày 25/5, khi cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/6 đang đến gần, ứng cử viên tự do Lee Jae-myung vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng dựa trên các cuộc khảo sát gần đây, khoảng cách giữa ông và đối thủ bảo thủ Kim Moon-soo đã thu hẹp. Sự ủng hộ dành cho Lee Jae-myung, ứng cử viên của đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) theo đường lối tự do, đã giảm nhẹ, trong khi các ứng cử viên bảo thủ đã chứng kiến sự gia tăng ổn định. Một cuộc khảo sát của Realmeter được tiến hành vào tuần thứ tư của tháng 5 cho thấy ông Lee Jae-myung nhận được 46,6% sự ủng hộ, tiếp theo là ông Kim Moon-soo với 37,6%.