Theo báo New York Times, nếu không đạt được chiến thắng mang tính bước ngoặt, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể bị suy yếu và khiến Kiev đối mặt với nỗi áp lực gia tăng để tham gia các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt hoặc đóng băng cuộc xung đột hiện nay.
Mỹ và các đồng minh khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cấp cho Ukraine nhiều loại pháo và đạn dược để dùng trong trận chiến sắp tới. Và các quan chức nói rằng họ tin tưởng nguồn cung cấp này có thể kéo dài – một sự thay đổi so với hai tháng trước khi các quan chức Mỹ lo ngại rằng nguồn cung có thể cạn kiệt.
Cùng lúc đó, dự kiến, 12 lữ đoàn chiến đấu của Ukraine với khoảng 4.000 binh sĩ mỗi lữ đoàn sẽ sẵn sàng xung trận vào cuối tháng 4, theo một số tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc về kế hoạch quân sự của Kiev cho thấy. Các tài liệu cho biết Mỹ và các đồng minh NATO đang huấn luyện và cung cấp sự hỗ trợ cho 9 lữ đoàn trong số đó.
Mặc dù Ukraine chỉ chia sẻ số ít chi tiết về kế hoạch quân sự với phía Mỹ, nhưng nhiều khả năng chiến dịch phản công có thể diễn ra ở phía Nam của đất nước này, trong đó có vùng dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần bán đảo Crimea.
Ông Alexander Vershbow, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và là quan chức cấp cao của NATO, cho biết: “Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này. Mọi người đều hy vọng, có thể là quá lạc quan. Nhưng nó sẽ quyết định liệu rằng người Ukraine có nhận được một cái kết tốt đẹp hay không, về việc giành lại lãnh thổ trên chiến trường và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn để đạt được một số giải pháp thương lượng”.
Trong khi phía Kiev cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và gây thiệt hại lớn cho quân đội Nga, các quan chức Mỹ đánh giá rằng cuộc tấn công này khó có thể dẫn đến bước thay đổi đáng kể cho Ukraine.
Quân đội Ukraine hiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Giao tranh ở thành phố Bakhmut trong mùa đông vừa qua đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và dẫn đến thương vong nặng nề tại một số đơn vị chiến đấu giàu kinh nghiệm.
Thay vì giữ kín về các kế hoạch quân sự như thường thấy, Ukraine lại công bố nhiều chi tiết về trận chiến sắp tới, một phần vì các nhà lãnh đạo Ukraine cần vực dậy tinh thần và gây sức ép với phương Tây về vũ khí. Thế nhưng, Lầu Năm Góc lại cho rằng quân đội Ukraine sẽ sử dụng mánh khóe này để đánh lừa quân đội Nga.
Cơ hội tốt nhất để Kiev giành ưu thế trong cuộc phản công cũng sẽ phụ thuộc vào mạng lưới tình báo giữa Mỹ, NATO và Ukraine. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể xác định những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể tận dung chúng bằng xe tăng và xe chiến đấu Bradley.
Nguồn cung cấp tên lửa phòng không và đạn pháo của Kiev – yếu tố rất quan trọng để duy trì bất kỳ cuộc tấn công nào cũng như chống lại các cuộc không kích của Nga - có thể cạn kiệt nguy hiểm nếu các lực lượng của họ tiếp tục tiêu hao đạn dược với tốc độ hiện tại.
Sau khi cuộc tấn công kết thúc, rất ít khả năng phương Tây có thể nối lại việc xây dựng lực lượng như họ đã dồn sức cho cuộc tấn công sắp tới của Ukraine trong tương lai gần. Bởi lẽ, kho dự trữ vũ khí của các đồng minh phương Tây đã vơi đi nhanh chóng. Các chuyên gia cho biết tốc độ sản xuất hiện tại sẽ không thể lấp đầy khoản thâm hụt trên cho đến năm sau.
Quân đội Ukraine đã bắn hàng ngàn quả đạn pháo mỗi ngày để giữ lấy Bakhmut - một tốc độ mà Mỹ và châu Âu cho là không bền vững và có thể gây nguy hiểm cho cuộc tấn công sắp tới.
Loạt bắn phá này dữ dội đến mức Lầu Năm Góc đã bày tỏ lo ngại với các quan chức ở Kiev, cảnh báo họ rằng Ukraine đang lãng phí đạn dược vào thời điểm quan trọng.
Mặc dù các lực lượng Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái để tấn công phía sau chiến tuyến của Nga, nhưng họ không được cấp tên lửa có tầm bắn đủ xa để tấn công các trung tâm hậu cần của Nga. Đây là một chiến thuật được chứng minh là quan trọng trong các cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái ở bên ngoài Kharkiv và Kherson.
Người Nga cũng có những thách thức của riêng họ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, Nga đã vấp phải những nghi ngờ về năng lực của các chỉ huy và nguồn binh sĩ được đào tạo bài bản, cũng như đạn pháo và thiết bị quân sự. Nga đã hao tổn nhiều tên lửa hành trình của họ, chịu thương vong nặng nề riêng ở Bakhmut và cạn kiệt kho đạn dược nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất trong nước.
Nhưng Nga đang nỗ lực để giải quyết những lỗ hổng đó. Quân đội Nga đã mài giũa kỹ năng sử dụng máy bay không người lái và pháo binh để nhắm mục tiêu vào lực lượng Ukraine hiệu quả hơn.
Gần đây, họ đã bắt đầu sử dụng bom lượn - sử dụng trọng lực và các thiết bị dẫn đường cơ bản để tiếp cận mục tiêu mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào - để cho thấy họ vẫn có khả năng triển khai vũ khí mới hơn trên chiến trường.
Những nỗ lực này đồng nghĩa với việc cơ hội để Kiev giành được những lợi thế đáng kể trước Moskva sẽ không mở ra vô thời hạn.
Theo một quan chức châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói với các quan chức khác rằng ông tin Nga có lợi thế về quân số trên chiến trường vì nước này sở hữu nhiều máy bay, xe tăng, pháo binh và binh lính hơn Ukraine. Ông Shoigu tỏ ra vô cùng tin tưởng rằng Nga cuối cùng sẽ thắng thế.
Giới chức tình báo Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía ông. Với nguồn dự trữ thiết bị và nhân lực lớn hơn của Nga, các quan chức nói rằng ông Putin tin rằng cuối cùng ông sẽ chiến thắng khi nỗ lực hỗ trợ Ukraine của phương Tây lắng xuống.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết Nga đang chuẩn bị các đợt động viên mới để củng cố hàng ngũ quân đội. Một số tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cũng phác thảo cách Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân lớn nhất của Nga, khởi động việc tuyển quân.
Lầu Năm Góc cho rằng Nga sẽ phải chờ đợi lâu để tuyển mộ tân binh, huấn luyện và đưa họ ra chiến trường.
Tuy nhiên, khả năng của Nga - và sự sẵn sàng - chịu thiệt hại vẫn còn lớn, cho phép nước này huy động nhiều lính nghĩa vụ hơn. Một số nhà phân tích đã nghi ngờ về việc Moskva có đủ binh lính để lấp đầy những chiến hào mà họ đã xây dựng trên chiến tuyến ở Ukraine hay không.
Trọng tâm chính của Mỹ và phương Tây là cố gắng ngăn cản Nga tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí mới. Mỹ và NATO đã cản trở hoạt động sản xuất trong nước của Nga bằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, đồng thời gây áp lực ngoại giao lên các nước khác để từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Nga.
Trung Quốc dường như đã bị đẩy lui ý định, ít nhất là vào lúc này, cung cấp đạn dược hoặc viện trợ vũ khí sát thương khác cho Nga.
Tương tự, những nỗ lực của Nga để có được tên lửa dẫn đường từ Iran cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.
Một thành công rõ ràng khác là Ai Cập. Trong khi các quan chức Mỹ đang âm thầm thúc ép Cairo cung cấp đạn pháo cho Ukraine, giới tình báo đã thu thập thông tin rằng các quan chức Ai Cập cũng có thể cung cấp vũ khí cho Nga.
Sau sự thúc đẩy ngoại giao của Mỹ và Anh, người Ai Cập dường như đang đứng về phía người Mỹ. Theo một báo cáo tình báo sau đó, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã bác bỏ ý định chuyển vũ khí cho phía Nga. Ai Cập đã ký hợp đồng sản xuất đạn pháo cho Mỹ để gửi chúng đến Ukraine.
Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, lại đang thúc đẩy hai bên đàm phán. Hiện tại, ông Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky không đạt được tiếng nói chung nên khó có thể ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai gần.