Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 22/4, dẫn thông tin từ Không quân Ukraine cho biết, Nga đang tăng cường tấn công các lực lượng của Kiev bằng bom dẫn đường. Lực lượng không quân Nga trước đây chỉ sử dụng hạn chế những vũ khí như vậy, nhưng trong những tuần vừa qua, có tới 20 quả bom dẫn đường được ghi nhận sử dụng hàng ngày dọc theo toàn bộ chiến tuyến.
Giới chức Ukraine cho biết thành phố Kherson ở miền Nam và các khu vực giáp biên giới với Nga và Belarus của nước này đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công bom dẫn đường. Yuri Ihnat, phát ngôn viên của Không quân Ukraine, nói: "Các lực lượng Nga sử dụng này càng nhiều loại bom này vì họ sắp hết tên lửa, vì vậy họ đã chuyển sang các loại bom trên không giá rẻ".
Bằng cách sử dụng bom dẫn đường, các lực lượng Nga có thể "thay đổi chiến thuật trên không để giảm thiểu nguy cơ tổn thất bằng cách hoạt động ngoài tầm phòng thủ của hầu hết các hệ thống phòng không và chống máy bay của Ukraine", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định trong một đánh giá mới đây.
Không giống như bom thường, bom dẫn đường có các cánh nhỏ ở đuôi cho phép chúng bay lượn, tấn công mục tiêu chính xác ở khoảng cách xa hơn. Các chuyên gia quân sự Ukraine cho rằng Nga hiện có loại bom dẫn đường hiện đại UPAB-1500B, được định hướng bằng vệ tinh, tuy nhiên, do chi phí sản xuất rất cao nên những quả bom như vậy được sử dụng rất ít.
Trong tháng 3 vừa qua, truyền thông Ukraine tiết lộ rằng Nga đã lần đầu tiên sử dụng bom lượn UPAB-1500B dẫn đường bằng vệ tinh, nặng 1,5 tấn trong cuộc xung đột tại Ukraine để tiêu diệt các mục tiêu quân sự quan trọng.
UPAB-1500B cũng thuộc dạng bom lượn, loại vũ khí sử dụng cánh để lướt về phía mục tiêu, thay vì được đẩy bằng tên lửa hoặc động cơ phản lực. Những quả bom này thường được thả từ máy bay và sử dụng lực nâng khí động học để mở rộng phạm vi và độ chính xác của chúng (bom lượn nói chung có thể được dẫn đường hoặc không dẫn đường và có thể được thiết kế để mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, chẳng hạn như đạn có sức nổ mạnh hoặc dẫn đường chính xác).
Ông Yuri Ihnat cho biết Nga đã ngừng bay qua các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát một tháng sau khi xung đột quy mô lớn bắt đầu. Tuy nhiên, tầm hoạt động của bom định hướng và bom lượn cho phép chúng tấn công vào lãnh thổ Ukraine từ không phận của Nga hoặc từ không phận của các khu vực chiếm đóng.
"Máy bay Nga có thể phóng những quả bom dẫn đường này từ 50 đến 70 km vào vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát", ông Ihnat nói và cho biết thêm rằng phạm vi tấn công phụ thuộc vào độ cao và tốc độ của máy bay. Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine nhấn mạnh: "Máy bay Nga không bay gần biên giới vì biết rằng chúng có thể bị bắn hạ".
Ukraine hiện đang sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không của Liên Xô trong phòng thủ, do đó khó có thể ngăn chặn các cuộc ném bom từ trên không. Ông Ihnat nêu rõ: "Để tiêu diệt bom dẫn đường, Ukraine cần các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot mới được chuyển đến từ Mỹ, Hà Lan và Đức".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ukraine sẽ không có đủ hệ thống phòng không để phòng thủ toàn bộ chiến tuyến và biên giới với Nga và Belarus. Họ cũng cho rằng việc triển khai chúng gần tiền tuyến là rất mạo hiểm. Theo Oleksandr Kovalenko, chuyên gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quân sự của Ukraine, cách tốt nhất để Ukraine tự bảo vệ mình trước bom dẫn đường là sử dụng máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, chuyên gia trên lưu ý hiện Ukraine không có tên lửa không đối không với tầm bắn đủ để tấn công các máy bay phản lực bay trên các khu vực do Nga kiểm soát. Ngoài ra, các tên lửa không đối không của phương Tây chuyển giao cho Ukraine không tương thích với máy bay do Liên Xô thiết kế.
Đó là lý do tại sao Ukraine nói rằng họ cần khẩn cấp các máy bay chiến đấu của phương Tây - thứ mà các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Kiev.