Cái vòng luẩn quẩn này đã diễn ra nhiều năm và chưa biết bao giờ mới có hòa bình đích thực trên bán đảo Triều Tiên nếu các bên tiếp tục chính sách thù địch với nhau.
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên với các biện pháp cứng rắn chưa từng có tiền lệ, Triều Tiêu đã ngay lập tức bác bỏ, đồng thời “chào mừng” bằng cách bắn ngay 6 tên lửa tầm ngắn ra biển. Mới ngày 7/3, khi Hàn Quốc và Mỹ bước vào các cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, Triều Tiên đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ khi đưa hạt nhân ra làm lời đe dọa.
Binh sĩ Hàn Quốc chuẩn bị tham gia tập trận chung tại cảng thuộc Pohang, miền đông nam Hàn Quốc ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã thề tung “đòn tấn công hạt nhân phủ đầu công lý” chống lại “các căn cứ của những lực lượng hiếu chiến đế quốc Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đại lục Mỹ”. Tuyên bố cho biết: “Nếu chúng tôi nhấn nút để hủy diệt kẻ thù ngay bây giờ, mọi căn cứ sẽ chìm xuống biển trong lửa và bụi ngay tức khắc” và đòn hạt nhân sẽ chứng tỏ cho những đối tượng thích gây hấn và chiến tranh thấy được dũng khí quân sự của Triều Tiên. Triều Tiên cũng khẳng định có chiến dịch quân sự để “giải phóng Hàn Quốc” và “tấn công Mỹ trên đất liền”. Quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ có hành động quân sự đáp lại cái gọi là “cuộc tấn công phủ đầu” mà Hàn Quốc và Mỹ định nhằm vào nước này. Triều Tiên cam kết các hành động quân sự này sẽ “giáng những đòn chết người không khoan nhượng vào kẻ thù”.
Sau tuyên bố đanh thép, hùng hồn của Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun tuyên bố với những lời lẽ cũng cứng rắn không kém: “Nếu Triều Tiên gây hấn, quân đội chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ và không khoan nhượng”. Ông Moon Sang-gyun cũng nói rằng Triều Tiên phải ngừng các hành vi “liều lĩnh và vội vàng” và sẽ đáp trả kiên quyết nếu Triều Tiên phớt lời cảnh báo.
Năm nào Triều Tiên và các bên có liên qua cũng có cuộc khẩu chiến về cuộc tập trận của Hàn Quốc và Mỹ nhưng phản ứng năm nay có phần mạnh hơn khi nước này lôi cả hạt nhân ra đe dọa phủ đầu. Sở dĩ Triều Tiên phải “xù lông” khác thường không chỉ vì vừa bị Liên hợp quốc mạnh tay trừng phạt, mà còn vì cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc năm nay cũng không bình thường cả về quy mô lẫn bản chất.
Về quy mô, hai nước tuyên bố đây là cuộc tập trận chung “lớn chưa từng có” kể từ khi xảy ra vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc năm 2010 mà Triều Tiên bị cáo buộc là thủ phạm. Triều Tiên chắc hẳn không thể ngồi yên khi 15.000 lính thủy đánh bộ Mỹ rầm rập kéo tới Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc tập trận “Key Resolve và Foal Eagles” với 300.000 binh sĩ nước chủ nhà. Ngoài số lượng binh sĩ khủng của cả chủ và khách, các vũ khí tối tân của Mỹ cũng được điều đến để phô trương sức mạnh, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ.
Về bản chất, cuộc diễn tập năm nay không chỉ đơn giản là diễn tập phòng vệ thường niên như Mỹ và Hàn Quốc thường nói. Cuộc diễn tập “Key Resolve” sẽ gồm OPLAN 5015 - kế hoạch tác chiến nhằm loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên và chuẩn bị cho các binh sĩ tấn công phủ đầu trong trường hợp Triều Tiên tấn công. Đây là lần đầu tiên phần OPLAN 5015 được đưa vào cuộc tập trận Key Resolve. Triều Tiên cho rằng Mỹ và Hàn Quốc “đỏ ngầu mắt để tìm cách xâm phạm nhân phẩm, chủ quyền và quyền lợi quý giá” của nước này.
Theo Tân Hoa Xã, nếu cuộc tập trận không diễn ra với mục đích hòa bình mà thay vào đó chỉ muốn cảnh báo Triều Tiên thì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể biến tập trận thành một cuộc chiến tranh thực sự. Trong thực tế, cả Mỹ và Hàn Quốc đều chuẩn bị cho tình huống đó khi đưa OPLAN 5015 vào cuộc tập trận năm nay. Một quan chức Hàn Quốc còn cho biết sẽ tấn công phủ đầu mạnh gấp 10 lần trong trường hợp bị Triều Tiên ra tay trước.
Lịch sử đã chứng minh rằng bất kỳ giải pháp nào bằng vũ lực đều có kết cục tồi tệ và chỉ dẫn tới vòng bạo lực luẩn quẩn: Lấy bạo lực đáp trả bạo lực trong khi bạo lực không thể khuất phục được bạo lực. Các biện pháp hòa bình là đặc biệt cần thiết để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong bối cảnh phức tạp và nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, hành động của Mỹ và Hàn Quốc nhằm răn đe quân sự với Triều Tiên bằng các cuộc tập trận rầm rộ nhất lịch sử sẽ không những không kiềm chế được Triều Tiên mà còn có nguy cơ đẩy nước này vào hành động tiêu cực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Triều Tiên cũng cần chứng minh thiện chí thực sự nhằm xây dựng một nền hòa bình bền vững trên bán đảo đã bị chia cắt hơn 60 năm qua.