Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, và có khoảng 50% người Mỹ tham gia một cuộc thăm dò dư luận do ABC News/Ipsos thực hiện cho rằng kinh tế hoặc lạm phát là những vấn đề quan trọng nhất chi phối lá phiếu của họ.
Động thái của FED không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và thị trường bởi trước đó, bà Lisa Cook, thành viên Ban Thống đốc FED khẳng định Mỹ sẽ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế giá cả tăng cao, sau đó siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian cho đến khi FED tin rằng có thể đạt mục tiêu đưa lạm phát trở về mốc 2%. Trong một phát biểu ngay sau khi FED công bố tăng lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp hiện nay một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, bất chấp sức ép suy thoái.
Để kiềm chế đà tăng kỷ lục của lạm phát, không chỉ FED mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang trong "cuộc đua lãi suất". Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay, và một nửa trong số đó đã tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong một lần tăng duy nhất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cũng tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lớn thứ 2 trong lịch sử ECB. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết quyết định tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.
Điều chỉnh lãi suất cũng là công cụ quan trọng được nhiều ngân hàng trung ương sử dụng trong thời gian qua để hỗ trợ đồng nội tệ không giảm sâu so với USD. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Rhee Chang Yong khẳng định: “Những biến động về tỷ giá hối đoái đã gây bất ổn trên thị trường tài chính, khiến dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế và thúc đẩy các hành vi đầu cơ. Do đó, cần tăng cường các phản ứng chính sách bằng cách nâng lãi suất”.
Nhật Bản là trường hợp hiếm hoi không điều chỉnh chính sách tiền tệ theo quyết định của FED. Đến nay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), vẫn quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda lý giải, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục, song giá cả hàng hóa tăng cao đang làm tăng áp lực suy thoái. Do vậy, việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc BOJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng đang làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng yen. Do lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản ngày càng chênh lệch, đồng yen năm nay mất giá hơn 20% so với USD, nhiều nhất trong nhóm tiền tệ lớn. Tỷ giá hiện nay ở quanh mức 146 yen đổi 1 USD, dù rằng có thời điểm đã vượt qua ngưỡng tâm lý 150 yen/1 USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, tuy nhiên các ngân hàng trung ương cần có sự phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo vừa kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hiện các động thái nâng lãi suất quyết liệt của FED đang làm dấy lên nhiều quan ngại về việc nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc quá nhanh. Dù sự phục hồi vững chắc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái) có thể xoa dịu một số lo ngại về suy thoái, song giá cả vẫn chưa thể hạ nhiệt sau các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của FED. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - thước đo lạm phát - đã tăng 0,4% trong tháng 9 vừa qua và tăng 8,2% trong 12 tháng. Lạm phát cũng lan ra cả lĩnh vực dịch vụ rộng lớn, bao gồm cả chi phí chăm sóc nha khoa, tiền thuê căn hộ hay sửa chữa ô tô.
Trong khi lạm phát tại Mỹ duy trì ở mức cao nhất trong 40 năm, lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng chạm mức kỷ lục. Nhà kinh tế học Guido Traficante từ trường Đại học châu Âu Rome (European University of Rome) nhận định, các nền kinh tế châu Âu, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc xung đột Ukraine, đang “oằn mình” dưới áp lực tăng lãi suất từ FED. Các đợt tăng lãi suất liên tiếp của FED đã khiến dòng vốn đổ về Mỹ, đồng thời làm xói mòn giá trị của đồng euro. Đồng euro yếu hơn, lợi suất trái phiếu cao hơn, trong khi lạm phát của châu Âu đạt mức cao kỷ lục của thời kỳ đồng euro. Trong tháng 10 vừa qua, mức tăng trưởng giá tiêu dùng của 19 nước sử dụng đồng euro đã lên tới 10,7%, tăng so với 9,9% của tháng trước đó và vượt mức dự báo là 10,2%.
Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng chỉ ra rằng khoảng 90 quốc gia đang phát triển đã chứng kiến đồng nội tệ suy yếu so với đồng USD trong năm nay - hơn 1/3 trong số đó giảm trên 10%. Ít nhất 46 quốc gia đang phát triển đang phải hứng chịu nhiều cú sốc kinh tế và 48 quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu. Việc tăng lãi suất nhanh chóng và thắt chặt tài khóa ở các nền kinh tế tiên tiến kết hợp với các cuộc khủng hoảng khác do dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình suy thoái toàn cầu và việc “hạ cánh mềm” khó có thể xảy ra.
Về phần mình, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận cánh cửa cơ hội cho một cuộc "hạ cánh mềm" trong năm nay đã bị thu hẹp. Ông Powell cho biết, có “sự không chắc chắn đáng kể” xung quanh mức lãi suất cần thiết để giảm lạm phát. Tuy nhiên, theo ông, trong bối cảnh FED nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, vẫn có một cơ hội để nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái. Theo các chuyên gia, dù FED hiện chưa thắng trong cuộc chiến cam go chống lạm phát, song có thể phải mất vài tháng trước khi hiệu ứng của việc tăng lãi suất được cảm nhận rõ rệt trong nền kinh tế thực. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý có thể phải đến năm 2024 thế giới mới cảm nhận được tác động tích cực từ việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất, bởi “Lợi ích sẽ đến nhưng không phải tức thời, và điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn”. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cũng khẳng định, việc kiểm soát lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương. Các hành động quyết liệt có thể sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, song đây là điều cần thiết bởi nó sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.
Hơn nữa, bất chấp các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của FED, đến nay, thị trường việc làm và chi tiêu tiêu dùng - hai động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ vẫn phục hồi tốt, tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính sách tập trung chống lạm phát. Dù vậy, giới phân tích khuyến nghị, là cơ quan đóng vai trò động lực thúc đẩy việc tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu, FED cần có trách nhiệm xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng FED đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải kiểm soát lạm phát vừa duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn hiện nay và lộ trình của FED cho thấy tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại, kéo theo "cuộc đua lãi suất" sẽ còn tiếp diễn.